Ấy vậy mà khi đi họp phụ huynh, cô giáo phát luôn cho phụ huynh cầm về cho con thì tôi lại nằm trong số ít cha mẹ không mua sách song ngữ cho con. Thế mới biết tâm lý khao khát đổi mới của phụ huynh, họ sẵn sàng mua đầy đủ sách vở cho con mà không để ý xem cuốn sách ấy có thực sự cần thiết hay không?
Tôi dõi theo hành trình học của con và thấy môn tiếng Anh quả thực đang được quan tâm quá mức: lớp 1 con đã có giáo trình làm quen tiếng Anh nhưng hỏi gì con cũng lắc đầu bảo "con không biết", lớp 2 nhà trường mua sách tiếng Anh mới, giáo trình mới với nội dung "nhẹ nhàng, hấp dẫn" các con hơn. Vẫn với ý tưởng để các con làm quen dần với môn tiếng Anh, nhưng mẹ cầm lên tìm hiểu mà cũng ngắc ngứ vì "khó quá".
Thế là 2 năm làm quen với tiếng Anh, con cũng chỉ biết dăm ba từ, mẹ cũng vui vẻ cho rằng con vừa học vừa chơi, thế là tạm ổn. Năm con lên lớp 3, môn tiếng Anh nằm trong các môn xét điểm cuối kì nên tôi chịu khó ngồi xem con học. Chủ yếu là giao cho con viết từ mới để thuộc mặt chữ, khoán cho con thời gian nghe đĩa thu âm chứ còn mẹ có nói được tiếng Anh đâu. Mẹ cứ đọc từ mới là con lăn ra cười vì mẹ phát âm sai bét.
Mặc cho các chị em bên cạnh đua nhau cho con đi học thêm tiếng Anh thì tôi vẫn cứ để con tự học ở nhà. Tôi đâu ham hố gì con mình phải mở mang vốn từ tiếng Anh quá nhiều, cứ thuộc được sách tiếng Anh ở trường đã oải lắm rồi. Tôi có mượn sách học thêm của bạn cùng lớp con trai về xem và khi hỏi lại bài thì cháu rất ú ớ, không nắm được cụ thể bài học.
Có một vài cháu, đến học tiếng Việt còn phát âm sai, ngọng, viết sai chính tả mà bố mẹ cứ thúc giục con học thêm tiếng Anh để cho theo kịp chúng bạn. Nhiều cháu đi học thêm tiếng Anh theo phong trào chứ không say mê gì. Tuần nào cũng ôm sách vở đến nhà thầy chăm chỉ nhưng rồi học trước quên sau, chữ thầy trả thầy.
Tôi dành nhiều thời gian ngồi cùng con học tiếng Anh và biết rõ con học đến đâu. Đến những từ mới thông dụng, mẫu câu đơn giản mà con còn ngồi đánh vật cả tiếng và phải có mẹ động viên cháu mới cố gắng học thì nói gì đến sách song ngữ Toán - tiếng Anh. Tôi cho là cuốn sách song ngữ này chỉ có tác dụng tham khảo và cần thiết với một số ít cháu thực sự có năng khiếu và được gia đình đầu tư cho học tiếng anh một cách bài bản. Đa phần học sinh ở lớp con tôi theo học, lực học tiếng Anh bình thường, theo hết SGK đã oải, nói chi đến nâng cao một cách chóng mặt theo kiểu học sách song ngữ.
Ai cũng thích con mình giỏi tiếng Anh vì giờ thiếu ngoại ngữ là hết cơ hội thăng tiến, đổi đời, tìm được công việc lương bổng cao ngất vì làm với người nước ngoài. Mẹ tôi ở quê phải thừa nhận rằng "giáo viên tiếng Anh ở quê dạy thêm kiếm bộn tiền". Phụ huynh cứ thấy con về nói xì xồ vài tiếng là phấn khởi, đầu tư tiền bạc cho con theo học tiếng Anh từ mẫu giáo.
Tôi chỉ thấy một điều hiển nhiên là chương trình SGK của con đã khá nặng, nhiều em lên lớp 4, lớp 5 học đuối hẳn vì kiến thức nhiều, chỉ cần chểnh mảng một chút là lực học sa sút. Vậy quyển sách song ngữ Toán - tiếng Anh đối với các con có tác dụng gì không? Nếu nói để tham khảo thì mua thật phí tiền, ai sẽ dạy các con những thuật ngữ Toán học bằng tiếng Anh? Con tôi chưa giỏi đến mức ấy nên tôi không mua sách.
Tôi tin chắc rằng đối với những trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội thì học sinh không bao giờ học được sách song ngữ vì quá khó. Chính cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi cũng thành thật nói với phụ huynh là sách chỉ để tham khảo, không có tính chất bắt buộc. Nhìn các bậc cha mẹ rào rào lên nhận sách, tôi mới thấy mình có phần lạc lõng, vô duyên. Hóa ra tâm lý mong con giỏi, con hiểu biết nhất là môn tiếng Anh đã trở thành trào lưu của đông đảo phụ huynh.
Đổi mới cách dạy và học tiếng Anh trong nhà trường là rất cần thiết nhưng đổi mới theo cách cấp tốc theo kiểu học song ngữ, tôi e học sinh càng học càng đuối và nảy sinh tâm lý sợ ngoại ngữ từ bé. Ở nông thôn, có phải ai cũng có điều kiện cho con học thêm tiếng Anh suốt ngày để kiếm điểm cao. Họ phải chịu thêm một khoản phí không hề nhỏ để mua sách vở cho con và điều tưởng chừng rất đơn giản với phụ huynh thành phố lại là điều cực khó chịu cho các bậc cha mẹ ở các vùng quê nghèo.
Tác giả bài viết: Mỹ Đức (Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)