Tin địa phương

Không ít nhà dân vẫn án ngữ mặt bằng thi công cao tốc đoạn qua Quảng Bình

Huyện Lệ Thủy vẫn còn khoảng 490m với 21 hộ dân và 1 tổ chức chưa chịu bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc. Sau quá trình vận động không được, huyện sẽ lên phương án bảo vệ thi công để dự án được triển khai thuận lợi.

Còn vường mắc GPMB

Theo báo cáo của UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, tổng chiều dài các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam qua địa bàn huyện gần 32km, diện tích đất thuộc dự án hơn 265ha, có 926 hộ gia đình và 8 tổ chức bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất cần chuyển mục đích phục vụ dự án hơn 257ha.

Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện vẫn còn khoảng 490m chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (trong đó, thị trấn Lệ Ninh vướng 6 hộ dân, xã Phú Thủy 14 hộ, xã Trường Thủy 1 hộ và 1 tổ chức).

Nhiều nhà dân vẫn án ngữ mặt bằng thi công cao tốc đoạn qua Quảng Bình (Ảnh: Hà Vũ).

Gia đình ông Trần Văn Hùng ở tổ dân phố 3, thị trấn Lệ Ninh hiện đang sinh sống trên thửa đất có diện tích khoảng 1.500m2. Cách đây nhiều năm, ông Hùng đã cho 3 người con xây nhà trong diện tích đất của ông bà. Tuy nhiên chưa làm được thủ tục cắt đất, sang tên sổ đỏ.

Vì nhà ông Hùng nằm ngay tuyến chính đường bộ cao tốc Bắc – Nam nên được đền bù 9 tỷ đồng và một lô đất tại khu tái định cư. Ba người con của ông Hùng cũng được giao 3 lô đất nhưng phải đóng tiền sử dụng đất, tuy nhiên gia đình ông không đồng ý.

Ông Trần Văn Hùng (áo xanh) chưa đồng ý với phương án bồi thường nên chưa bàn giao mặt bằng cho dự án.

Cũng như gia đình ông Hùng, nguyên nhân khiến nhiều hộ dân chưa chịu bàn giao nhà, đất là do không đồng thuận với phương án đền bù giá đất, loại đất, chưa đồng ý với vị trí khu tái định cư.

Một tổ chức chưa đồng ý di dời là trang trại điện mặt trời ở xã Trường Thuỷ. Doanh nghiệp này không đồng ý với giá đền bù với lý do việc này không đủ tiền đền bù hợp đồng với điện lực do giảm sản lượng điện, doanh nghiệp kiến nghị địa phương có cơ chế để lắp dựng thay thế đối với phần diện tích phải tháo dỡ và hỗ trợ làm việc với điện lực để giữ nguyên hợp đồng đã ký.

Tại thị trấn Lệ Ninh vẫn còn 6 hộ dân chưa đồng ý phương án bồi thường GPMB.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho biết: “Theo nguyên tắc, khi xây dựng các khu tái định cư thì hạ tầng phải đồng bộ, hiện đại để đáp ứng cho nhu cầu sống tốt bằng hoặc hơn cho người dân, hiện ở thị trấn Lệ Ninh huyện chỉ xây dựng một khu tái định cư tập trung và không còn khu đất nào khác để giao cho các hộ dân.

Còn yêu cầu muốn định cư về phía mặt đường của trường Tiểu học Lệ Ninh thì không được, vì nếu chia khu tái định cư thành từng khu nhỏ, từng thôn như thế thì không đáp ứng được yêu cầu đồng bộ hiện đại, có điện có nước, phòng cháy chữa cháy…”.

Đã có nhiều hộ dân xây nhà tại khu tái định cư thị trấn Lệ Ninh.

Rất cần mặt bằng để thi công đảm bảo tiến độ

Bên cạnh số nhà dân chưa di dời, trên tuyến chính dự án cao tốc đi qua địa bàn huyện Lệ Thủy còn vướng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật khiến nhà thầu rất khó khăn trong việc thi công khi mùa mưa đang tới gần.

Theo ghi nhận, trên tuyến chính dự án thành phần Vạn Ninh – Cam Lộ, nhiều vị trí đã được nhà thầu thảm bê tông nhựa nóng, lắp đặt hệ thống dải phân cách giữa, hệ thống hộ lan… Tuy nhiên, trên tuyến đoạn qua huyện Lệ Thủy vẫn còn nhiều nhà các hộ dân án ngữ, việc tiếp cận công địa để thi công rất khó khăn.

Dự án thành phần Vạn Ninh-Cam Lộ.

Theo Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh - Chủ đầu tư dự án thành phần Vạn Ninh – Cam Lộ, với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dự án tiếp tục rà roát để rút ngắn tiến độ thi công. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thời gian thực hiện dự án chỉ còn khoảng 9 tháng (trong đó có 3 tháng mùa mưa), nhưng mặt bằng chưa được địa phương bàn giao 100% thì nguy cơ vỡ tiến độ dự án là rất lớn.

Ông Lưu Tuấn, Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh cho biết: “Chỉ cần địa phương bàn giao mặt bằng đến đâu, chúng tôi huy động tối đa nhân lực, phương tiện và máy móc để thi công đến đó. Chúng tôi rất sốt ruột khi trên tuyến chính vẫn còn án ngữ nhiều nhà dân, hệ thống đường điện… Sắp bước vào mùa mưa, nếu không được bàn giao mặt bằng để đắp nền đường, dự án cơ nguy cơ vỡ tiến độ”.

Liên quan đến công tác GPMB, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cũng nói thêm: “Sau quá trình vận động không được, huyện Lệ Thủy đã lên phương án cưỡng chế để dự án được triển khai thuận lợi”.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua địa bàn Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126,43km. Trong đó, đoạn Vũng Áng - Bùng có chiều dài khoảng 42,95km; đoạn Bùng - Vạn Ninh có chiều dài 49,93km và đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có chiều dài 33,55km. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 8 nút giao.

Tác giả: Ngô Thị Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP