Giáo dục

Không đi học thêm mới là cá biệt?!

Khi tôi kể chuyện không cho con đi học thêm, sếp tôi nửa đùa nửa thật nói “lương thấp lấy đâu tiền mà cho con học thêm”, tôi thừa nhận là cũng có phần do thu nhập gia đình hạn chế. Vậy là trong mắt nhiều người, việc con đi học thêm là chuyện đương nhiên, không đi học thêm mới là cá biệt.

Đến ngay con tôi cũng hỏi “Sao mẹ không cho con đi học thêm cùng các bạn” và mẹ phải giải thích là bài con học chưa khó, mẹ có thể hướng dẫn cho con thì con mới không thắc mắc nữa.

Chuyện cấm dạy thêm - học thêm tôi nghĩ khó thực thi một cách quyết liệt. Ngay từ thời chúng tôi còn đi học thì mỗi lần chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thầy và trò ngoài học chính khóa còn miệt mài học thêm để chuẩn bị thi cử. Những bạn học giỏi nhất lớp còn cày bài vở ngay trong những giờ giải lao, ôn luyện giải đề thi khó của các năm trước hướng tới cái đích vào những trường đại học tốp đầu. Những bạn lực học trung bình thì học thêm tối ngày lo thi đỗ tốt nghiệp THPT. Không bạn nào dám đứng ngoài cuộc chạy đua nước rút ấy, không ai dám tự ở nhà ôn luyện, hầu hết chúng tôi đều có mặt ở lớp học thêm.

Các thầy giỏi ở trường mở một ngày mấy ca dạy thêm, buổi nào học sinh cũng ngồi kín lớp. Chúng tôi đều học thêm một cách tự nguyện, không có chuyện thầy cô o ép hoặc trù dập vì không theo học thầy cô đứng lớp. Cũng có thể nói, cách đây 20 năm, các thầy cô dạy thêm học trò tận tình, học phí vừa phải nên hiếm khi nghe thấy phụ huynh kêu ca, chê thầy cô này kia như bây giờ.

Tôi từng nghe nhiều câu chuyện phụ huynh than thở khi con không đi học thêm cô giáo đứng lớp: cô sẽ hỏi bài khó, vặn vẹo, mỉa mai học sinh khiến các em sợ sệt. Khi tôi hỏi “Con mình học thêm ai thì làm sao thầy cô ở lớp biết được mà trù dập?” Cô đồng nghiệp kể các thầy cô từ THCS có đầy kinh nghiệm để ốp học trò: môn văn thì cách hành văn dùng từ mới lạ, khác gu của cô, môn toán thì tự dưng thấy cách giải bài sáng tạo bất ngờ là biết ngay học trò của mình theo thầy cô khác. Nhiều thầy cô dạy giỏi thì lại thù học sinh theo kiểu “Chắc nó chê mình không xứng để nó theo học” và xảy ra chuyện bắt bẻ học sinh. Nhiều phụ huynh muốn con an toàn không bị thầy cô săm soi để ý thì còn bắt con đi học thêm song song vừa học thầy cô con thích vừa học thêm thầy cô ở lớp. Vậy là mấy ngày cuối tuần, các em quay chong chóng chạy học thêm hết công suất. Tiền học thêm của các em lớp 8, lớp 9 chỗ tôi cứ tầm hơn 1 triệu/tháng, tốn kha khá vào quỹ chi tiêu của cả gia đình.

Tôi cũng chỉ dám tự tin là mình sẽ dạy cho con được hết tiểu học, con lên cấp 2 là mẹ không theo dõi sách vở của con nữa. Lúc ấy chắc chắn con phải đi học thêm những môn chính. Tôi cứ nghĩ cùng lắm con sẽ học thêm Toán - Văn - Anh nhưng các anh chị trong xóm còn kể "ngoài 3 môn chính, cháu còn học thêm Lý, Hóa để sau này thi khối tự nhiên". Nghĩa là để săn được tấm vé vào đại học thì tôi phải cho con học “tiền đại học” từ cấp 2 với số tiền kha khá. Nuôi con ăn học thời buổi này thật nan giải quá!

Tôi không cấm đoán con mình đi học thêm, nhưng tôi kiên quyết phản đối cách bắt con đi học thêm vì lo thầy cô dạy trực tiếp con phật lòng. Phụ huynh không dám trái ý thầy cô thì chỉ đầy con học thêm một cách vô nghĩa. Phụ huynh bắt con chạy sô học thêm không được phép mệt mỏi rồi khi con thi cử không đạt kết quả cao lại quay ra chửi bới, oán trách con “Chỉ mỗi việc học mà không nên hồn” khiến con lao đao nghĩ quẩn.

Cấm dạy thêm - học thêm chả có ích gì nếu mỗi phụ huynh không tự nhìn ra căn bệnh thành tích mà mỗi người áp đặt cho con em họ. Phụ huynh còn so kè các con từng điểm số ở lớp 1, còn lo con chậm, con học đuối, nhỡ chả may con đúp thì xấu hổ ê chề. Họ không biết rằng thời buổi này, xin cho con đúp còn khó gấp mấy lần xin cô nâng điểm cho con đạt giỏi (trừ trường hợp có vài em không thích học, đến lớp chỉ để ngủ).

Cô bạn hàng xóm có con vừa hết lớp 1 đã lâm vào cuộc khủng hoảng tinh thần vì cô chủ nhiệm chê con quá kém, cô bạn ngay lập tức gửi con học thêm nhà cô và kèm con tối ngày. Cuối năm cháu đạt giấy khen “Hoàn thành xuất sắc” và lớp con học các con được khen giỏi ở mức kỷ lục 44/46, vậy mà cô bạn tôi vẫn cứ lo “Cháu vẫn chậm lắm, không biết lớp 2 có được giấy khen không?”

Mọi người đều nghi ngờ khi con tôi mấy năm liền chỉ học ở nhà mẹ kèm, không đi học thêm nhà cô mà vẫn đạt giỏi, đến bà ngoại ở nhà cũng tếu táo “Hay mẹ chạy điểm cô chứ cháu nghịch thế mà vẫn được giỏi thì hay nhỉ?” Mấy anh chị có con học cùng con tôi đều nói thà mất thêm ít tiền để cô dạy cho chuẩn bài vở chứ kèm con học cấp 1 đau đầu lắm, loạn nhà loạn cửa chả có ích gì. Chị dâu làm giảng viên đại học còn thừa nhận một sự thật chua chát “Con càng học ở lớp bé, cô giáo càng kiếm được nhiều tiền”. Phải chăng vì chiều lòng giáo viên mà phụ huynh đua nhau cho con đi học thêm, con được cô quan tâm và dễ dàng đạt danh hiệu học sinh giỏi?

Việc dạy thêm - học thêm chỉ đáng bị lên án khi thầy cô dùng làm chiêu bài dọa dẫm, thúc ép học sinh, khi cha mẹ chạy đua thành tích mà quên đi sức khỏe, tinh thần, sở thích của con cái.

Ai cũng muốn con mình giỏi giang, hiểu biết và việc học thêm là để mở mang kiến thức nhưng học thêm ở mức độ nào, có cần thiết với con không thì không phải phụ huynh nào cũng quan tâm đúng mức, họ chỉ cần con không thua kém bạn bè, không làm bố mẹ mất mặt với hàng xóm và con chỉ ở nhà học thì thật là lo ngay ngáy, là điều không thể chấp nhận.

Tác giả bài viết: Mỹ Đức (Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP