Du lịch

Không còn tục chém trâu tại sân lễ hội đền Chín Gian

Phong tục, dẫu là  từ nghìn xưa, nhưng vẫn phải, và nên thay đổi cho phù hợp với thời đại. Thấm nhuần tinh thần đó, tại Nghệ An, tục chém trâu tại lễ hội đã thay đổi. Tuy nhiên, ở Quảng Trị, người dân vẫn tiến hành.

le dam trau
Nghi lễ đâm trâu tại lễ hội Ariêu Ping của đồng bào thiểu số tại Quảng Trị. Ảnh: Hưng Thơ

Chỉ làm động tác chém trâu

Lễ hội đền Chín Gian ở xã Châu Kim (Quế Phong, Nghệ An) khai hội vào ngày 15.2 âm lịch hàng năm, là lễ hội lớn của đồng bào các dân tộc vùng miền Tây xứ Nghệ. Đền Chín Gian thờ Thẻn Phà (trời), con gái trời (Náng Xỉ Đả) và Tạo Ló Ỳ (người có công lập 9 mường). Lễ hội là dịp để người dân tưởng nhớ về cội nguồn, ghi tạc công ơn các thế hệ cha ông đã có công tạo bản, lập mường, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ hội này có một nghi thức đã lưu truyền từ xa xưa, là con trâu tế, sau khi thực hiện nghi lễ tắm trâu, được chém tại sân lễ hội, sau đó làm thịt, đem tế các vị thần linh.

Chị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Cá nhân tôi tôn trọng các tập tục của người dân, nhưng thấy rằng việc chém trâu như vậy là không phù hợp, không bảo đảm tính nhân văn, tính giáo dục”. Nhiều ý kiến cũng đồng quan điểm với vị lãnh đạo Sở VHTT tỉnh. Sau đó, lãnh đạo huyện Quế Phong đã họp bàn, và thống nhất thay đổi nghi thức chém trâu.

“Từ năm 2015, chúng tôi đã không còn chém trâu tại sân lễ hội như trước. Trâu vẫn được chọn, tắm, dẫn đến cột sân lễ hội, làm lễ. Người được phân công chém trâu chỉ dùng cây búa, giơ lên bổ giả vào đầu trâu, thay cho việc chém trâu, sau đó trâu được dắt đi nơi kín đáo làm thịt, rồi mới làm lễ cúng như trước đây”, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết.

PV hỏi các cụ cao niên và người dân địa phương có phản ứng gì không, ông Giáp cho hay, sau khi được trao đổi, các cụ đều thống nhất cao, không có ý kiến gì.

Sắp tới, lễ hội đền Chín Gian vẫn tiếp tục khai hội, người dân vẫn cảm nhận, hòa đồng với không khí linh thiêng, náo nức như từ ngàn xưa, song không còn phải rùng mình, bịt mắt chứng kiến lễ chém trâu như trước.

Vẫn đâm trâu “tế thần” ở lễ hội Ariêu Ping

Ariêu Ping là lễ hội truyền thống mang văn hóa tâm linh của đồng bào Pa Cô ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị. Lễ hội này nhằm tỏ lòng tôn kính đến những người đã khuất và thường kéo dài 3 ngày 2 đêm. Trong ngày đầu tiên, người dân sẽ làm một ngôi nhà có tên là Ân Trạp để khách quý đến tham dự ở lại, ngày thứ hai sẽ diễn ra lễ hội đâm trâu, liên hoan văn hóa cồng chiêng và các môn thể thao truyền thống. Ngày cuối là ngày thể hiện nét tâm linh của đồng bào, bởi hôm đó mọi người sẽ đưa tiễn hương hồn tổ tiên về nơi an nghỉ cuối cùng.

Dịp 20.1 vừa rồi, sau 40 năm từ ngày giải phóng, thôn Ro Ró 1 ở xã A Vao (huyện Đak Rông, tỉnh Quảng Trị) lại tổ chức lễ hội Ariêu Ping với hơn 2.500 lượt người tham gia. Lễ diễn ra theo đúng nghi thức đã có từ trước, sau khi những cây nêu được những họ tộc có người đã khuất dựng lên thì trâu, bò, dê, lợn, gà được buộc xung quanh để thực hiện nghi lễ tế thần.

Năm nay, thôn Ro Ró 1 “tế thần” 1 con trâu, 1 con bò, khá nhiều dê và lợn, gà. Giữa bãi đất trống, đoàn người tập trung thành vòng tròn, ở giữa là những người uy tín (Ariehs) thực hiện nghi lễ đâm trâu. Khi Ariehs vung ngọn giáo lên, những người xung quanh đi thành vòng tròn và cổ vũ, chiêng trống nổi lên. Những nhát giáo liên tục đâm vào con vật cột ở cọc nêu, mỗi lúc giáo đâm trúng, những người xung quanh lại hò hét cho đến khi vật hiến tế ngã quỵ xuống. Những con vật ở các cọc nêu được xẻ thịt và nấu nướng để đãi khách.

Theo ông Hồ Văn Phương - Phó trưởng phòng Văn hóa huyện Đak Rông, việc đâm trâu tại các lễ hội tâm linh này vẫn thường xuyên diễn ra. Dù nhìn nhận có nhiều mặt hạn chế, nhưng những nghi lễ tâm linh này đã ăn sâu vào tiềm thức của dân bản, nên dù chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, thì việc thay đổi không thể ngày một ngày hai được. “Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, phổ biến nhiều nhưng chỉ có thể hạn chế, chứ không thể dỡ bỏ được. Thay vì đâm nhiều trâu và thời gian tổ chức lễ hội dài ngày như trước, thì một số nơi chuyển sang đâm bò hoặc dê, thời gian rút ngắn lại cho đỡ tốn kém” - ông Phương, cho hay.

Tác giả bài viết: QUANG ĐẠI - HƯNG THƠ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP