Kinh tế

Không cẩn thận, Việt Nam sẽ 'tụt lại phía sau'

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang đứng thứ 5 trên 10 nước ASEAN. Trong khi các nước phía trên không dừng lại để ta vượt qua, thì các nước xếp sau cải thiện vượt bậc. Không cẩn thận chúng ta vừa khó tiếp cận trung bình ASEAN 3-4 mà lại tụt lại phía sau.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 ngày 5/12, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, 2016 có thể coi là năm doanh nghiệp của Việt Nam.

Đây là năm cộng đồng doanh nghiệp nhận được sự quan tâm nhất của toàn hệ thống chính trị, để trở thành động lực mạnh mẽ của nền kinh tế.

Khẳng định doanh nghiệp đã phục hồi sau một thời gian khó khăn, nhưng ông Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận “doanh nghiệp tuy đông nhưng chưa mạnh”. Nhiều doanh nghiệp chưa khẳng định và củng cố được khát vọng lớn mạnh, vươn cao, vươn xa.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam là hoạt động được tổ chức thường niên để lắng nghe ý kiến của các DN


“DN nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Dù giải quyết được vấn đề việc làm nhưng thiếu doanh nghiệp lớn, mạnh, đủ tầm, đủ tiêu chuẩn, khả năng dẫn dắt cuộc chơi tại thị trường trong nước cũng như vươn ra thế giới”, ông Dũng chia sẻ.

Nhắc đến vấn đề môi trường kinh doanh, lãnh đạo Bộ KH-ĐT khẳng định, quan tâm môi trường ngay từ đầu dự án đến vận hành là yêu cầu tiên quyết với một dự án đầu tư bền vững, lâu dài. Đây là điều kiện để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh bền vững.

“DN đầu tư ở Việt Nam đều mong muốn lâu dài và ổn định, muốn vậy môi trường phải đặt lên hàng đầu. Đó là yêu cầu của Chính phủ cũng như của nền kinh tế xã hội”, ông Dũng nói.

Thời gian qua, năng lực cạnh tranh nền kinh tế và môi trường kinh doanh của Việt Nam có cải thiện về thứ hạng. Thế nhưng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận rằng sự tiến bộ ấy “chưa tạo được bứt phá nếu xét trong khu vực ASEAN”.

Ông Dũng cho rằng: Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang đứng 5 trong 10 nước ASEAN. Trong khi các nước phía trên không dừng lại để ta vượt qua, thì các nước xếp sau chúng ta lại cải thiện vượt bậc. Cho nên không cẩn thận chúng ta vừa khó tiếp cận trung bình ASEAN 3-4 mà lại tụt lại phía sau.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, khả năng 2016 là năm đầu tiên mà số lượng DN thành lập mới đạt mức kỷ lục, vượt con số 100.000.

Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá, ông Lộc cho rằng so với các quốc gia khác, trước hết trong khu vực ASEAN, thì môi trường kinh doanh vẫn còn khoảng cách khá lớn. So với mong muốn của DN thì lại càng xa.

“Khác với nhiều nước, các DN Việt Nam vẫn phải nặng gánh các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiễu cho đến luôn phải tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan nhà nước các cấp”, ông Lộc băn khoăn.

Ông Kyle F.Kelhofer, giám đốc quốc gia cấp cao Việt Nam, Lào, Campuchia tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm sản xuất của thế giới. Nhưng ông cũng nhấn mạnh Việt Nam phải làm thế nào phát triển sạch hơn, xanh hơn, đảm bảo môi trường trong lành.

Thay mặt cộng đồng DN, ông Ryu Hang Ha, đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cam kết tuân thủ những điều kiện môi trường ngặt nghèo nhất. “Chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, có cảnh báo, trừng trị những kẻ gây ô nhiễm”, ông Ryu Hang Ha nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo VCCI, thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, giải pháp quan trọng là hành động, là rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn, xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi.

Tác giả bài viết: Lương Bằng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP