Giáo dục

Không bất ngờ với thực trạng cử nhân không viết nổi

Những kỹ năng tưởng như rất đơn giản, chẳng hạn như thảo một cái đơn hay công văn, nhưng nhiều kỹ sư, cử nhân mới ra trường vẫn rất yếu. Trước thực trạng này các trường đại học (ĐH) đang tìm các giải pháp để hỗ trợ sinh viên, giúp sinh viên thích ứng nhanh hơn với thị trường lao động.

Thực trạng đáng buồn của lớp cử nhân mới ra trường hiện nay

Tại hội thảo khoa học quốc gia đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm do trường ĐH Thương mại tổ chức ngày 01/03, nhiều giảng viên, chuyên gia đưa ra nhận định, những kỹ năng tưởng như rất đơn giản, chẳng hạn như thảo một cái đơn hay công văn, nhưng nhiều kỹ sư, cử nhân mới ra trường vẫn rất yếu.

Theo ThS. Nguyễn Duy Đạt, trường ĐH Thương mại, một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy kỹ năng và khả năng sẵn sàng của người lao động là mối quan tâm lớn đối với người sử dụng lao động. Phần lớn người sử dụng lao động cho rằng, việc tuyển dụng lao động là một thách thức vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp.

Khong bat ngo voi thuc trang cu nhan khong viet noi don xin viec gia dinh viet nam 63
Nhiều cử nhân ra trường thậm chí không viết nổi lá đơn xin việc

“Cá nhân tôi có hay phỏng vấn các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng, họ cho biết : Những kỹ năng tưởng như rất đơn giản chỉ cần đạt ở mức độ vừa phải thì sinh viên của chúng ta lại rất yếu, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng viết văn bản, kỹ năng quản lý thời gian... Có sinh viên không thể viết được một cái đơn theo yêu cầu. Đây là điều rất đáng lo ngại” – ông Đạt khẳng định.

Ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ địa phương, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, là đơn vị sử dụng lao động nhưng thấy sinh viên các trường đào tạo ra na ná giống nhau, không có bản sắc riêng của mỗi trường. “Ví dụ cùng đào tạo kinh tế, thì ĐH Thương mại sinh viên học xong phải có yếu tố nào đó mà ĐH Ngoại thương không có, hoặc ngược lại. Có như thế mới biết từng trường đang đứng ở đâu” – ông Bình chia sẻ.

Phương pháp dạy của giảng viên chưa giúp sinh viên hình thành kỹ năng

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), nguyên nhân chính là do phương pháp dạy của giảng viên chưa giúp sinh viên hình thành kỹ năng. Ví dụ, dạy kỹ năng giải quyết vấn đề phải áp dụng chiến lược cho sinh viên thực hành xác định bối cảnh, tìm ra nguyên nhân và thiết kế giải pháp, thực hiện và đánh giá (cách nhiều trường làm là giao đồ án, dự án, bài tập lớn cho sinh viên). Thông qua việc giao cho nhóm giải quyết, sinh viên sẽ kiến tạo nên tri thức, kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng giải quyết vấn đề, hợp tác...

Một khảo sát nhanh tại 5 trường của ThS. Nguyễn Duy Đạt, gồm trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thương mại, ĐH Vinh và ĐH Kinh tế TPHCM cho thấy mới chỉ có trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị đang đi đầu trong công tác đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Các trường ĐH còn lại vẫn chưa chú trọng đào tạo các kỹ năng cho sinh viên.

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Loan, Phó hiệu trưởng ĐH Thương mại cho rằng, trường đã xây dựng hai học phần là Ngoại ngữ và Công nghệ thông tin theo hướng phát triển kỹ năng cho sinh viên. Tuy nhiên, theo đánh giá thì đây mới chỉ là môn học phát triển kỹ năng thuần túy. Các kỹ năng khác được lồng ghép vào các hoạt động cụ thể, hoặc các hoạt động thảo luận cũng như các hoạt động đào tạo khác trong khuôn khổ nhà trường.

Theo đề xuất của ông Nguyễn Duy Đạt, để giải quyết vấn đề này, các trường cần gắn kết với nhu cầu kỹ năng của thị trường lao động. Trong đó, quan trọng nhất là tăng cường sự phối hợp và quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp với các trường ĐH sẽ giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt thông tin.

Đồng thời, ông Đạt cũng đề xuất cần đưa hoạt động kiến tập tại doanh nghiệp hàng năm vào chương trình đào tạo chính thức. “Không cần phải đợi đến năm cuối. Mà từ năm thứ 2, thứ 3 sinh viên đã phải đi kiến tập tại các doanh nghiệp” – ông Đạt nói.


Tác giả: Phương Vũ (T/h)
Nguồn tin:
Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP