Tin địa phương

Khó xử lý nhà hàng nổi 'mọc' trái phép?

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Quảng Bình nêu rõ: 'Thực trạng hiện nay trên địa bàn tỉnh có tình trạng các công trình vi phạm, trong đó có cả những nhà hàng nổi lấn chiếm phạm vi bảo vệ đê điều ngày càng có chiều hướng gia tăng và có tính chất phức tạp, khó xử lý'.

Hàng loạt công trình không phép “mọc” trên hành lang bảo vệ đê điều

Sở NN&PTNT vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Bình về tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều. Theo Sở này, hệ thống đê điều của tỉnh góp phần quan trọng trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ sớm, lũ tiểu mãn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, kết hợp giao thông, bảo vệ dân sinh - kinh tế.

Nhà hàng nổi Linh Giang không phép, neo đậu ở tuyến đê tả sông Gianh vi phạm hành lang đê điều. (Ảnh: Trần Anh).

Tuy nhiên tình trạng vi phạm, lấn chiếm phạm vi bảo vệ đê điều ngày càng có chiều hướng gia tăng và có tính chất phức tạp. Nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng trái phép hành lang phạm vi bảo vệ đê điều, vùng bãi sông cho các mục đích khác nhau trong khi chưa được các cơ quan quản lý cấp phép, chấp thuận; nguy cơ gây mất an toàn công trình đê điều và ảnh hưởng lớn đến hành lang thoát lũ các tuyến sông có đê.

Toàn tỉnh Quảng Bình có 28 tuyến đê, kè với tổng chiều dài 280,2 km thuộc 4 huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn.

Qua kiểm tra, rà soát toàn tỉnh có 38 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê điều đã được thống kê và có các kết luận của thanh tra, trong đó có 34 hộ gia đình và 4 doanh nghiệp thuộc địa bàn của 4 địa phương: huyện Quảng Trạch (5 trường hợp: 4 hộ gia đình, 1 doanh nghiệp); huyện Bố Trạch (5 hộ gia đình); huyện Quảng Ninh (15 hộ gia đình); thị xã Ba Đồn (10 hộ gia đình, 3 doanh nghiệp).

Nhà hàng Bình Yên neo đậu vào các tuyến đê, kè trái phép. (Ảnh: Trần Anh).

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: xây dựng công trình phụ, làm lều quán, xây kho đựng vật liệu, làm bãi tập kết vật liệu, xây dựng nhà, xưởng đóng tàu trong phạm vi bảo vệ đê điều.

Ngoài 38 trường hợp vi phạm trên, đặc biệt có 7 nhà hàng nổi, khu dịch vụ neo đậu vào các tuyến đê, kè khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng, gồm: thị xã Ba Đồn (nhà hàng Linh Giang, ở tuyên đê tả Gianh); TP Đồng Hới (nhà hàng Bình Minh ở tuyến đê tả Lệ Kỳ, nhà hàng Bình Yên, Sóng Thần, Nam Thành, Phố Biển ở tuyến đê Nhật Lệ-Bàu Tró); huyện Quảng Ninh (nhà hàng Thu Thủy ở tuyến đê tả Nhật Lệ).

Cần quyết liệt xử lý nghiêm những công trình vi phạm

Theo Sở NN&PTNN các trường hợp vi phạm đê điều chủ yếu tồn tại từ lâu, phần lớn liên quan đến sinh kế của người dân; nhiều trường hợp người vi phạm không hợp tác, không tiến hành giải tỏa như cam kết, vì vậy công tác xử lý các trường hợp vi phạm đê điều còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ số vụ xử lý trên số vụ vi phạm được phát hiện còn thấp.

Trong 38 trường hợp vi phạm nêu trên, đến nay còn lại 29 trường hợp đến nay vẫn chưa chấp hành tháo dỡ, giải tỏa. Trong đó, nhiều nhất là huyện Quảng Ninh với 14 trường hợp.

Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng nổi neo đậu ở các tuyến đê trên địa bàn TP Đồng Hới và thị xã Ba Đồn đang hoạt động nhưng chưa được cấp phép.

Nhà hàng Bình Minh ở tuyến đê tả Lệ Kỳ. (Ảnh: Trần Anh).

“Để xảy ra tình trạng vi phạm này do công tác quản lý, bảo vệ đê điều của nhiều địa phương chưa thực sự được quan tâm, chú trọng; việc xử lý vi phạm chưa kịp thời, triệt để, để dây dưa kéo dài dẫn đến tình trạng vi phạm ngày càng phức tạp, khó xử lý. Chưa có có quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều, chưa thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều. Đặc biệt, nhận thức, hiểu biết về pháp luật đối với đê điều của nhiều người dân còn hạn chế”, Sở NN&PTNN nêu rõ.

Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đảm bảo an toàn công trình đê điều, Sở này đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xử lý tình hình vi phạm đê điều đồng thời xem xét bố trí kinh phí cho các hoạt động quản lý đê điều.

Nhà hàng Sóng Thần neo đậu ở tuyến đê Nhật Lệ - Bàu Tró không được cơ quan chức năng cấp phép. (Ảnh: Trần Anh).

Nhà hàng nổi là loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi 2020. Đơn vị cấp phép cho nhà hàng nổi trên sông hồ là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng tại địa phương.

Ngoài ra, nhà hàng nổi còn phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định khác của pháp luật liên quan như báo cáo nghiên cứu khả năng ảnh hưởng của công trình đến môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn lao động và phòng cháy chữa cháy.

Cá nhân không được tự ý xây nhà hàng nổi.

Tác giả: XUÂN TRƯỜNG

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP