Có mặt tại thôn Tiên Phong, chúng tôi chứng kiến vài chục chiếc xe ben đang ồ ạt ra vào các công trường khai thác đất, đá. Con đường dẫn vào thôn bị cày nát, bụi bay mù trời. Hai bên đường, nhà dân đóng kín cửa, cây trái trong vườn phủ một màu bạc phếch. Càng vào sát công trường khai thác đá, tiếng nổ mìn, máy cắt đá ầm ầm vang lên dưới cái nắng ngột ngạt khiến bầu không khí tại đây càng thêm bức bối.
"Gần 10 năm nay, chúng tôi phải chịu cảnh này, bụi bặm, ồn ào, khổ sở lắm. Đến ăn cơm cũng phải đóng cửa. Mỗi lần nổ mìn, đất đá bay vèo vèo, nhà cửa rung lên như động đất. Bụi bay xuống phủ kín làng, không tài nào thở nổi. Chúng tôi kêu mãi mà có ai giải quyết đâu?" - ông Cao Đức Phụng (ngụ xã Tiên Phong) bức xúc.
Theo nhiều người dân ở cụm 1, thôn Tiên Phong, ngoài việc bị tra tấn bởi khói bụi, họ còn phải sống trong tâm trạng bất an bởi xe tải chở vật liệu liên tục "quần thảo". Nhiều gia đình có con nhỏ không dám ra đường vì sợ tai nạn giao thông, sợ đá đè.
Ông Nguyễn Văn Trương, Trưởng thôn Tiên Phong, xác nhận hoạt động khai thác, sản xuất đá của 2 mỏ đá được cấp phép cạnh khu dân cư gây ô nhiễm tiếng ồn, bụi khói từ nhiều năm nay. Một số đoàn công tác về môi trường đã đến kiểm tra nhưng khi họ đi thì mọi việc đâu lại vào đấy.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ba Đồn, một trong 2 mỏ đá gây ô nhiễm nêu trên là của Công ty CP 207, được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép từ năm 2011, có diện tích 4,9 ha, thời hạn khai thác 30 năm. Mỏ đá còn lại của Công ty TNHH Đại Tiến Phát, được cấp phép năm 2013, diện tích 1,1 ha, thời hạn khai thác 20 năm.
Một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ba Đồn cho biết đã nhận được phản ánh của người dân và cũng đã có văn bản yêu cầu khắc phục, giải quyết. "Người dân phản ánh, cơ sở cũng báo lên, chúng tôi đã ghi nhận và kiểm tra. Từ tháng 11-2017, đoàn công tác của Chính phủ cũng về đây kiểm tra rồi nhưng khi đó, phía mỏ đá đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về môi trường nên cũng khó xử lý" - vị này phân trần.
Tác giả: Hoàng Phúc
Nguồn tin: Báo Người lao động