Các hộ dân tất bật kinh doanh trước lúc được thông báo di dời đồng loạt. |
Khó khăn giải phóng mặt bằng
Giai đoạn 2018-2021, tỉnh Quảng Bình ưu tiên cho nhiệm vụ quy hoạch xây dựng một số khu đô thị cao cấp ven biển và ven sông Nhật Lệ. Trong hướng đi đó, với sự quan tâm của doanh nghiệp, tháng 11/2019, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải trở thành nhà đầu tư chính thức của dự án Khu đô thị Nam Cầu Dài.
Tháng 6/2021, UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định về việc chuyển đổi mục đích sử dụng và giao 5.748,5m2 đất tại phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới cho Tập đoàn Sơn Hải thực hiện dự án Khu đô thị Nam Cầu Dài. Báo cáo thuyết minh dự án cho thấy, khu đô thị có tổng diện tích sử dụng đất là 434.680m2, bao gồm khu nhà ở thương mại với khoảng 2.500 căn và nhiều công trình phụ trợ khác, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.200 tỷ đồng.
Trên cơ sở Hợp đồng thực hiện dự án số 25/2020, ký ngày 10/10/2020 giữa Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình và nhà đầu tư trúng thầu là Tập đoàn Sơn Hải, UBND thành phố Đồng Hới đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Đồng Hới tổ chức giải phóng mặt bằng. Vậy nhưng, trong quá trình triển khai khâu này, đã xuất hiện vướng mắc làm rào cản đến việc triển khai của toàn dự án.
Cụ thể, tài sản của Ban Quản lý cảng cá tỉnh Quảng Bình tại cảng cá Nhật Lệ đã hết thời gian khấu hao nên giá trị bồi thường, hỗ trợ bằng không, không thể bù đắp kinh phí và cơ sở hạ tầng làm việc và hạ tầng phục vụ hoạt động tại cơ sở mới. Còn tài sản trên đất của một số hộ kinh doanh, doanh nghiệp thuê đất theo hợp đồng ký kết với Ban Quản lý cảng cá tỉnh; còn vướng mắc liên quan đến các hộ dân trong vùng dự án.
Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Đồng Hới cho hay: Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh, UBND thành phố giao, chúng tôi đã và đang rà soát các vấn đề, nội dung phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng tổng thể, liên quan đến cảng cá Nhật Lệ, các hộ kinh doanh và các hộ dân trong vùng dự án Khu đô thị Nam Cầu Dài. Các vướng mắc này, tiểu ban giải phóng mặt bằng cần phải tháo gỡ lần lượt với phương án cụ thể, cần xin ý kiến của các Sở, ngành, mất rất nhiều thời gian, mới tiến hành giao hết mặt bằng cho nhà đầu tư được.
Cùng đó, ông Phan Xuân Hào - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết: Cảng cá Nhật Lệ được đầu tư xây dựng từ năm 2000, giờ xuống cấp lại chật chội nên chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% tàu thuyền vào neo đậu, bốc dỡ hàng. Hệ thống xử lý nước thải hoàn toàn bị tê liệt dẫn đến tình trạng ngập úng trong mùa mưa.
Theo lộ trình, cảng cá Nhật Lệ này sẽ phải di dời sang vị trí mới, tuy nhiên do mặt bằng cảng cá tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ tại xã Bảo Ninh chưa hoàn thiện nên chưa thể di dời theo tiến độ đã xây dựng gần đây.
Người dân lo âu về địa điểm mới
Tại cuộc họp ngày 16/6/2022, ông Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Ban Quản lý cảng cá tỉnh xây dựng cụ thể phương án di dời Cảng cá Nhật Lệ sang vị trí mới tại Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ (xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới). Sắp xếp thứ tự ưu tiên các hạng mục quan trọng, cấp thiết, đồng bộ với quy hoạch đã được phê duyệt để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình, một số cán bộ của UBND thành phố Đồng Hới nhận thấy, hiện nhiều hộ dân chưa hiểu đúng bản chất vấn đề để đi tới đồng thuận, chấp hành chủ trương di dời sang địa điểm mới.
Vì phương án di dời tổng thể đang được xây dựng song song với việc vận động, tuyên truyền nên nhiều hộ kinh doanh còn bỡ ngỡ. Hơn hết, về hạng mục kho đông lạnh, kho lương thực, thực phẩm, ngư cụ hiện chưa được đầu tư, sẽ tạo khó khăn cho người dân diện di dời.
Vị trí cảng cá mới sẽ được bố trí kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ. |
Chị Trương Thị Mười - Công ty Đức Hiếu cho hay: “Chúng tôi làm ăn, kinh doanh ở đây đã lâu, quen việc, nay được vận động di dời sang địa điểm mới để giao mặt bằng lại cho doanh nghiệp làm dự án hạ tầng khu đô thị. Chúng tôi băn khoăn việc cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá của cảng cá ở địa điểm mới là khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ chưa có gì. Sang đấy, chúng tôi phải bắt tay làm lại từ đầu, lại khó khăn chồng khó khăn khi đang ở trong thời điểm bão giá như hiện nay”.
Cùng đó, một lão ngư ở thôn Cửa Phú (xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới) cũng cho rằng: Để cảng cá Nhật Lệ mới hoạt động ổn định, phù hợp với quy hoạch; ngành chức năng cần sớm khơi thông, nạo vét luồng vào khu cầu cảng, do bị bồi lấp từ nhiều năm nay. Cùng đó, sớm bố trí, phân giao đất cho các hộ kinh doanh, để họ sớm đầu tư kho xưởng, sân bãi, thuận lợi hơn trong làm ăn và chấp thuận chủ trương di dời.
Được biết, cảng cá Nhật Lệ có tổng diện tích 4,5ha, được đầu tư xây dựng với số tiền 20 tỷ đồng từ nguồn vốn biên giới hải đảo và đưa vào sử dụng năm 2000. Mãi đến ngày 01/6/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng ký ban hành Quyết định 1771/QĐ-UBND về việc công bố mở cảng cá Nhật Lệ.
Tác giả: Nhất Linh
Nguồn tin: Báo Xây dựng