Từ câu chuyện chăn nuôi bò lai
Trước câu hỏi, liệu rằng, với sự lựa chọn đó, huyện Tuyên Hóa có tự làm khó chính mình? Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết: “Với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn đặc thù như địa hình bị chia cắt, giao thông, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, diện tích đất sản xuất ít, nhỏ lẻ, bất kỳ sự lựa chọn nào cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Giữa những khó khăn đó, chúng tôi lựa chọn con đường ít khó khăn hơn, bằng cách bắt đầu từ điểm xuất phát thực tế của địa phương. Điều quan trọng là mỗi một chủ trương đưa ra phải để mỗi một người dân tìm thấy cơ hội phát triển của bản thân trong đó, chứ không phải thụ động trông chờ”.
Bộ mặt nông thôn và đời sống người dân miền núi huyện Tuyên Hóa đã khởi sắc. |
Một trong những chủ trương đề ra khá sớm và được huyện Tuyên Hóa triển khai bền bỉ từ đó đến nay là đề án phát triển chăn nuôi bò lai sind. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương nhớ lại: Từ năm 1995, huyện đã xây dựng đề án phát triển chăn nuôi bò lai sind để thay thế đàn “bò cóc” hiệu quả kinh tế thấp trên địa bàn. Ban đầu triển khai đề án, trong người dân cũng có ý kiến cho rằng, bò lai không phù hợp điều kiện, khí hậu khắc nghiệt trên địa bàn.
Phải mất 2 năm sau khi thực hiện đề án, cùng với sự kiên trì, tích cực vận động và chủ trương khuyến khích “nuôi bò được thưởng tiền” của huyện, người dân mới chấp nhận đưa bò lai vào chăn nuôi (Lúc đó, gia đình nào chăn nuôi 3 con bò lai trở lên sẽ được thưởng 300 nghìn đồng/con). Và lý do quan trọng nữa là nuôi bò lai mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần “bò cóc” trước đây. Hơn thế nữa, việc chuyển đổi từ chăn nuôi “bò cóc” sang bò lai không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn tạo ra cuộc “cách mạng” trong thói quen chăn nuôi của người dân. Bởi, nếu như trước đây, người dân thường chăn nuôi bò thả rong và chủ yếu để sử dụng sức kéo trong sản xuất nông nghiệp, thì giờ đây, chăn nuôi bò là một ngành kinh tế tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Sau bò lai sind, giờ đây, huyện Tuyên Hóa đã phát triển chăn nuôi bò lai thế hệ thứ 3 là bò Brahman và bò 3B. Hiện, Tuyên Hóa là huyện có số lượng đàn bò lai sind lớn nhất trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ đàn bò lai chiếm đến 76%. Chăn nuôi bò lai trở thành phong trào rộng khắp và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chiếm đến 54%. Chăn nuôi trở thành ngành trụ cột để huyện Tuyên Hóa phát triển ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế trên địa bàn.
Đến một chủ trương chưa có tiền lệ
Nông nghiệp vốn được xem là bệ đỡ của nền kinh tế, nhưng với những khó khăn, vướng mắc đặc thù, ngành kinh tế này đang ngày càng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nếu như không có chiến lược dài hơi. Vì vậy, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã đề ra nhiều chủ trương, đề án phát triển nông nghiệp, nhất là ngành chăn nuôi luôn có tính tiếp nối, kế thừa liên tục qua từng giai đoạn, nhiệm kỳ. Ở mỗi giai đoạn, những khó khăn, vướng mắc, thách thức dần dần được tháo gỡ một cách chủ động.
Theo thống kê, nếu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Tuyên Hóa chỉ đạt 38 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 9,51%, thì đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 51,3 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 6,8%. |
Qua nhiều năm nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ và khá quyết liệt, mặc dù huyện Tuyên Hóa đã có chuyển biến đáng kể trong phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng, song quy mô ngành trên địa bàn huyện vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ cá thể, không có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, dẫn đến hạn chế trong áp dụng khoa học kỹ thuật và gây ô nhiễm môi trường.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nhất là ngành chăn nuôi, năm 2021, huyện tiếp tục thực hiện đề án “Phát triển chăn nuôi tập trung (CNTT), giai đoạn 2021-2025”. “Cú hích” đột phá và là “xương sống” của đề án này chính là việc hình thành các vùng CNTT cấp xã, thị trấn, nhằm đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đinh Xuân Thương: “Đây là việc làm chưa có tiền lệ và chưa có địa phương nào trên địa bàn tỉnh triển khai để học hỏi. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, ở giai đoạn đầu sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Quan điểm của huyện là làm dần từng bước. Địa phương nào có lợi thế và thuận lợi không phải thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện trước. Hiện đã có 2 xã Đức Hóa và Đồng Hóa hoàn thành quy hoạch và được chọn làm mô hình “điểm”. Các địa phương khác đang gấp rút hoàn thành quy hoạch”.
Một mô hình chăn nuôi bò lai tập trung trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. |
Theo đó, trên cơ sở đăng ký với phương án chăn nuôi được phê duyệt, các hộ gia đình phải cam kết tiến độ đầu tư, lộ trình thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Tùy từng đối tượng, quy mô chăn nuôi, huyện sẽ có hạn mức giao đất, cho thuê đất phù hợp. Nếu cá nhân, hộ gia đình không thực hiện đúng cam kết sẽ bị thu hồi. Cùng với đó, huyện khuyến khích xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường, nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, tăng thu nhập cho nhân dân.
Nói như Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang: “Lựa chọn, xác định được chủ trương đúng giống như phát hiện, tìm kiếm được con đường cho phát triển.Mỗi một chủ trương, đề án của huyện đề ra đều tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để người dân phát huy hết khả năng của mình. Đó là những động lực mới để vừa khơi dậy sức mạnh trong dân, vừa xóa bỏ rào cản khó khăn, giúp người dân có thể phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo một cách bền vững. Trong quá trình thực hiện, nhất quyết phải triển khai từng bước, kiên trì, bền bỉ với những mục tiêu khó, chủ động đưa ra những giải pháp đột phá phù hợp với điều kiện thực tế. Với quan điểm đó, nhiều chủ trương đúng, trúng được huyện triển khai thời gian qua đã không chỉ tạo động lực cho người dân “tự lực cánh sinh”, vươn lên trong cuộc sống, mà còn là nền tảng vững chắc, tạo đà cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn”.
Mục tiêu đến năm 2025, huyện Tuyên Hóa đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 55% trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng ít nhất 10 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và 21 trang trại CNTT. Cùng với đó, huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-thương mại, dịch vụ trên địa bàn, với 2 cụm công nghiệp đã được triển khai xây dựng, gồm: Cụm tiểu thủ công nghiệp Lưu Thuận, thị trấn Đồng Lê và Cụm công nghiệp Tiến Hóa. |
Tác giả: Dương Công Hợp
Nguồn tin: Báo Quảng Bình