Tại hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 3 với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” diễn ra từ 11 - 13.11 ở TP.HCM, chúng tôi thường bắt gặp tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải với nụ cười rất tươi. 31 tuổi, anh là người Việt Nam ở nước ngoài trẻ nhất tham dự hội nghị, và đây cũng là lần đầu tiên anh về nước nhân dịp kiều bào khắp nơi trên thế giới “hội ngộ”.
Về nước lần này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải đề xuất việc xây dựng Học viện Tài chính Cao cấp (Institute of Advanced Finance; viết tắt: IAF) tại TP.HCM. IAF sẽ là một đơn vị chuyên sâu về học thuật, đồng bảo trợ bởi TP.HCM, một trường đại học địa phương (Local University; viết tắt: LU) tại TP.HCM (cũng là nơi IAF sẽ đặt tại), và một học viện tài chính có danh tiếng quốc tế (Internationally Recognized Finance Institute; viết tắt: IRFI) với sự hợp tác mật thiết và các chương trình bảo trợ đặc biệt tiếp sau đó từ IRFI cũng như các đơn vị khoa học hàng đầu khác trên thế giới.
Ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều trường tài chính, nhưng vì sao chúng ta vẫn cần mở thêm một học viện tài chính? Lý giải vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải cho rằng tài chính là một ngành đặc thù, nằm ở chính tâm mọi nền kinh tế, và có sự liên kết chặt chẽ với hầu hết tất cả các ngành nghề khác. Chính vì thế, các nước phát triển đã sớm chú trọng tạo điều kiện phát triển cho các trường, viện nghiên cứu tài chính, nhằm nắm bắt được cơ chế vận hành của tiền tệ, các phương thức và mô hình đầu tư tiên tiến trong một thế giới luôn luôn thay đổi. Các nước đang phát triển cũng đã nhận ra và nhanh chóng đón đầu xu thế này. Ví dụ như ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải được xúc tiến đưa vào hoạt động vào năm 2008, nay đã trở thành một trong những viện tài chính hàng đầu trong khu vực, thu hút các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu đến tham gia nghiên cứu, đào tạo nhân sự cho chính nền tài chính Thượng Hải.
“Để Việt Nam khẳng định được mình trong lĩnh vực nghiên cứu tài chính và đặt nền tảng xây dựng những trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế, chúng ta cần một mô hình học viện tài chính tiên tiến và theo chuẩn quốc tế. Mong muốn của tôi là tham gia xây dựng một trong những viện tài chính đẳng cấp quốc tế đầu tiên như vậy tại Việt Nam, tạo tiền đề cho nhiều trường, viện khác về sau”, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải nói.
Về chiến lược huy động kinh phí, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải cho biết sẽ chia làm hai giai đoạn: ngắn đến trung hạn và dài hạn. Sự thành công ban đầu của dự án sẽ phụ thuộc vào việc tụ họp được bốn yếu tố: sự bảo trợ của chính quyền thành phố, sự cộng tác của một học viện tài chính cao cấp danh tiếng trên trường quốc tế, sự hợp tác của một trường đại học của Việt Nam và sự hỗ trợ của một doanh nghiệp đối tác. Về lâu về dài, viện sẽ được quản lý như một mô hình kinh doanh. Nói cách khác, nó sẽ phải nuôi chính nó qua việc đào tạo đội ngũ nhân sự cao cấp cho ngành tài chính, tránh việc phải gây khó khăn về tài chính cho chính quyền địa phương và các bên liên quan.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải nói thêm: “Trong quá trình áp dụng và vận hành, tôi tin chắc sẽ có những khó khăn mà tôi chưa lường được hết. Tuy nhiên, tôi tin rằng với sự ủng hộ của các cấp chính quyền, với những đối thoại liên tục, cởi mở giữa các bên tham gia, dự án sẽ dần dần hình thành như mong muốn”.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải hiện là Assistant Professor of Economics (Giáo sư dự khuyết) tại Trường đại học Chinese University of Hong Kong (Đại học Trung hoa của Hồng Kông) ở Hồng Kông. Lĩnh vực nghiên cứu chính của tiến sĩ Hải bao gồm ngân hàng, tài chính, các vấn đề liên quan đến luật và chính sách ngân hàng, tài chính. |
Tác giả bài viết: Tân Phú - Trung Hiếu
Nguồn tin: