Nhân viên tư vấn cho khách mua gói bảo hiểm nhân thọ kèm bảo hiểm sức khỏe tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Theo kết luận thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam (AIA) vừa được Bộ Tài chính công bố, trong năm 2022, có tới 57% hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp này được mua qua ngân hàng đã bị hủy chỉ sau một năm.
Nhiều sản phẩm có tỉ lệ hủy hợp đồng 66-74%!
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, trong năm 2022, Công ty bảo hiểm AIA bán bảo hiểm qua các ngân hàng gồm VPBank, Bản Việt, KienlongBank, CitiBank, HSBC VN và Public Bank VN. Trong đó, VPBank có doanh thu bảo hiểm khai thác mới chiếm tỉ trọng lớn nhất.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022 và số liệu báo cáo của Công ty bảo hiểm AIA, doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng đạt 5.290 tỉ đồng, tương ứng 28% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới bán qua ngân hàng đạt 1.548 tỉ đồng, tương ứng 42% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Tuy nhiên, tỉ lệ hủy bỏ hợp đồng trong thời gian cân nhắc 21 ngày lên tới 6%. Cụ thể, trong năm 2022, AIA phát hành mới 73.474 hợp đồng bảo hiểm qua ngân hàng nhưng có đến 4.440 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong 21 ngày sau khi ký.
Tỉ lệ hợp đồng bị hủy, mất hiệu lực sau năm thứ nhất lên đến 57%. Trong đó có sản phẩm mà tỉ lệ hợp đồng bị hủy sau năm đầu tiên lên tới 66-74%!
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh có đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa giải thích rõ hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng tách biệt với hoạt động của ngân hàng.
Đặc biệt, có 167 nhân viên ngân hàng giới thiệu khách tham gia 232 hợp đồng bảo hiểm liên kết chung khi chưa được cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm hoặc chưa được chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm.
Với số hợp đồng này, tổng phí bảo hiểm là 6,48 tỉ đồng, tương ứng với số tiền hoa hồng đại lý bảo hiểm là 2,4 tỉ đồng và tiền thưởng là 2,3 tỉ đồng. Theo báo cáo của AIA, các nhân viên ngân hàng chỉ giới thiệu khách hàng tham gia bảo hiểm, không tư vấn, chào bán và thu xếp ký kết hợp đồng bảo hiểm.
Thỏa thuận tại hợp đồng phân phối bảo hiểm giữa AIA và ngân hàng có quy định cụ thể về nội dung hoạt động của đại lý. Trong đó có các hoạt động liên quan đến phân phối sản phẩm bảo hiểm. Dù vậy, việc nhân viên ngân hàng chưa được đào tạo đầy đủ, chỉ giới thiệu khách hàng nhưng nhận hoa hồng và các khoản thưởng là sai quy định.
Do vậy Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã yêu cầu tổng giám đốc AIA Việt Nam rà soát, tăng cường công tác quản lý hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng để kiểm soát tình trạng hủy hợp đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Lãng phí tài sản của người dân và xã hội
Trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, cho rằng với tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm mua qua ngân hàng khá cao chỉ sau một năm cho thấy sự lạm dụng của phía ngân hàng. Ngân hàng đã đi bán bảo hiểm để hưởng hoa hồng.
Thường mức chiết khấu trong năm đầu tiên của hợp đồng bảo hiểm rất cao, tới 25%, thậm chí 40% tùy theo công ty bảo hiểm chi trả. Điều này là không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, khách hàng buộc phải chấp nhận mua bảo hiểm như một khoản phụ phí để được vay vốn của ngân hàng.
Cũng theo ông Ánh, tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm mua qua ngân hàng xảy ra ở nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ cho thấy có sự biến tướng trong việc liên kết giữa bảo hiểm và ngân hàng, không đúng bản chất liên kết bán bảo hiểm qua ngân hàng giữa bảo hiểm với ngân hàng.
"Và cũng không liên quan đến các sản phẩm liên kết đầu tư của bảo hiểm. Thường là ngân hàng tiếp cận người gửi tiền và thông tin cho người gửi tiền phương án mua bảo hiểm nhân thọ thì có quyền tham gia sản phẩm liên kết đầu tư. Lãi suất của sản phẩm liên kết đầu tư cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm", ông Ánh nói.
TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, nhấn mạnh rằng trong luật có quy định cấm ngân hàng ép khách vay phải mua bảo hiểm.
Trong khi đó con số hơn một nửa hợp đồng mua bảo hiểm bị hủy sau một năm mua cho thấy khách hàng không tự nguyện. Dù vậy khách hàng không thể từ chối việc mua bảo hiểm nếu muốn khoản vay được giải ngân
Theo các chuyên gia tài chính, người dân cần tiền phải đi vay ngân hàng để kinh doanh, để mua nhà, mua xe... Thế nhưng, ngoài hợp đồng vay vốn lại kèm thêm hợp đồng bảo hiểm dù không có nhu cầu.
"Việc khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng, sau đó hủy bỏ không chỉ lãng phí tài sản của xã hội mà còn làm méo mó bản chất của sản phẩm này là tính tự nguyện", một chuyên gia nói.
Một chuyên gia khác cũng cho rằng từ việc có đến 57% hợp đồng bảo hiểm mua qua ngân hàng bị hủy chỉ sau một năm là rất có vấn đề.
"Con số này đã nói lên một điều rằng rất nhiều người đã bị buộc phải mua bảo hiểm khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp để quản lý, giám sát thật chặt", vị này khuyến cáo.
Hầu hết khách vay đều bị ép mua bảo hiểm nhân thọ Vào tháng 7-2022, Bộ Tài chính cũng công khai kết luận thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng trong năm 2021 tại bốn doanh nghiệp bảo hiểm, gồm Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas. Theo đó, trong năm 2021, Sun Life phát hành mới hơn 80.100 hợp đồng bảo hiểm qua ACB và TPBank. Trong đó, tỉ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm được bán qua TPBank sau một năm ký là 73% và qua ACB là 39%. Tương tự, Prudential bán bảo hiểm thông qua tám ngân hàng gồm VIB, MSB, SeAbank, Vietbank, PvcomBank... với tổng doanh thu hơn 6.184 tỉ đồng. Thế nhưng tỉ lệ hủy, mất hiệu lực sau năm thứ nhất lên tới 41%. |
ĐB Phạm Văn Thịnh (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội): Cần ngăn chặn việc ép khách vay mua bảo hiểm Theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính, có đến 57% hợp đồng bảo hiểm của AIA được mua qua ngân hàng bị hủy chỉ sau một năm cho thấy ngay khi đặt bút ký rất nhiều người đã không muốn mua. Qua đây cũng cần đặt câu hỏi rằng có hay không việc ép khách hàng phải mua nên mới dẫn tới hủy sau một năm nhiều như vậy? Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét thật kỹ để có biện pháp quản lý, giám sát thật chặt. Trong thực tế, thông tư 67 của Bộ Tài chính có quy định nghiêm cấm các ngân hàng được chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Tuy nhiên, trong thực tế có thể nảy sinh hiện tượng lách quy định về bán bảo hiểm qua ngân hàng, chẳng hạn như không tuân thủ khoảng cách thời hạn giải ngân các khoản vay. Do vậy, nên nghiên cứu, xem xét để có thêm các biện pháp phòng ngừa, rào cản kỹ thuật, trong đó có thể xem xét mở rộng thời hạn chào bán bảo hiểm từ 60 ngày lên 90 ngày. Ngoài ra, cần bổ sung các quy định, biện pháp cụ thể, mạnh để ngăn ngừa, xử lý hành vi vi phạm. Đặc biệt, cần có cơ chế lắng nghe, giám sát từ bên thứ ba và nội dung này phải được quy định vào nghị định, thông tư. ĐB Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật): Phải xử lý thật nặng các vi phạm Khi thảo luận về Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, tôi đã từng đề nghị cần có thái độ cương quyết không cho phép ngân hàng hợp tác với bảo hiểm để bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng nữa. Nếu thực hiện điều này sẽ không còn sự nhập nhằng theo kiểu "bán bia kèm mồi" hay cưỡng ép khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn... Thực tế, thời gian qua tôi nhận được rất nhiều phản ảnh của cử tri về việc ngân hàng ép mua bảo hiểm khi vay vốn. Báo chí, dư luận cũng nêu nhiều về các hệ lụy của việc bán bảo hiểm qua ngân hàng như vụ SCB với bảo hiểm Manulife vừa qua. Do mức hoa hồng mà ngân hàng nhận được khi bán bảo hiểm rất lớn, nên các ngân hàng giao khoán cho nhân viên ngân hàng phải bằng mọi cách vận động khách hàng vay phải mua bảo hiểm. Trong khi đó, khi khách hàng muốn đòi quyền lợi, phía bán bảo hiểm là ngân hàng lại không chịu trách nhiệm, gây khó dễ hay có trường hợp nói đã cho nhân viên đó nghỉ... Chính vì vậy, cần có quy định cụ thể hơn để bảo vệ quyền lợi khách hàng, thậm chí có quy định giám đốc ngân hàng phải có trách nhiệm liên đới khi khách hàng có phản ảnh, khiếu nại. Đồng thời, xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhân viên ngân hàng như tư vấn không đầy đủ và gây nhầm lẫn, hoặc bắt mua bảo hiểm gắn với khoản vay... Phía bảo hiểm cũng cần có nhân viên, bàn tư vấn để giải quyết khiếu nại, phản ánh ở chính các ngân hàng hợp tác, thay vì để khách hàng đi lại vất vả đòi quyền lợi. |
Tác giả: LÊ THANH - THÀNH CHUNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ