Cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên 64 năm trước tuy diễn ra chỉ 3 năm nhưng để lại hậu quả vô cùng thảm khốc. Tỷ lệ thương vong của thường dân so với dân số còn cao hơn cả Thế chiến II. Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên đã có thể xảy ra theo chiều hướng thậm chí còn khốc liệt hơn.
Tướng Douglas MacArthur, vị tư lệnh huyền thoại ở mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II, cũng là chỉ huy quân đội Mỹ ở Hàn Quốc từng có một kế hoạch táo bạo nhằm kết thúc cuộc chiến chỉ trong 10 ngày.
Bức tường hạt nhân
Theo tạp chí National Interest, cuốn sách “Kế hoạch cuối cùng của MacArthur về chiến tranh Triều Tiên”, do tác giả Bob Considine viết năm 1954, tiết lộ một trong những kế hoạch táo bạo và khủng khiếp nhất của vị tướng huyền thoại nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Tướng MacArthur nói rằng ông có thể chiến thắng tại Triều Tiên trong thời gian tối đa là 10 ngày. Tỷ lệ thương vong sẽ ít hơn nhiều so với số người thiệt mạng sau hiệp định đình chiến. Nó sẽ làm thay đổi tiến trình lịch sử.
Oanh tạc cơ B-29 và bom hạt nhân chiến thuật là một phần trong kế hoạch đáng sợ của tướng MacArthur. Ảnh: Bảo tàng Không quân Mỹ. |
Trong hồi ký, tướng MacArthur viết: “Đầu tiên tôi sẽ ném từ 30-50 bom hạt nhân chiến thuật xuống sân bay, căn cứ quân sự, kho tàng của Trung Quốc từ Mãn Châu dọc theo sông Áp Lục đến Hunchun, Triều Tiên giáp biên giới Liên Xô”.
Số bom hạt nhân này sẽ tạo ra một bức tường phóng xạ dọc theo biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Sự hình thành bức tường này sẽ cắt đứt nguồn cung hậu cần cho quân đội Triều Tiên từ bên kia biên giới. Thời điểm đó, Bình Nhưỡng có từ 1-1,2 triệu quân. Khi tuyến hậu cần bị cắt đứt, lực lượng này sẽ nhanh chóng đầu hàng sau đó.
Ngoài ra, bức tường này sẽ tồn tại từ 60-120 năm, khiến Trung Quốc rất khó để can thiệp vào cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên.
Đối với sự lo lắng của Hội đồng An ninh Quốc gia về khả năng can thiệp của Liên Xô, vị tướng huyền thoại cười và nói rằng nếu Liên Xô triển khai quân can thiệp, tuyến vận tải chủ yếu mà họ sử dụng là đường sắt xuyên Siberi. Không quân Mỹ sẽ dễ dàng cắt đứt tuyến vận tải này.
Tác giả Considine nhớ lại rằng MacArthur rất sốt sắng với kế hoạch tấn công quân sự vào Trung Quốc. Vị tướng từng nói rằng: “Chúng tôi có khả năng tiêu diệt quân đội và sức mạnh quân sự Trung Quốc. Kế hoạch của tôi là một điều chắc chắn”.
Sự hù dọa bất thành
Đối với Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, kế hoạch tấn công hạt nhân vào Trung Quốc của tướng MacArthur là một sự liều lĩnh, có thể kéo theo những hệ quả khôn lường. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn được cân nhắc như một lựa chọn để đánh đòn tâm lý với Bắc Kinh.
Sau khi tướng MacArthur dẫn quân đánh sang vĩ tuyến 38, đẩy quân đội Triều Tiên đến sông Áp Lục, giáp biên giới Trung Quốc. Bắc Kinh can thiệp gây thiệt hại nặng cho quân đội Liên Hợp Quốc.
B-29 ném bom trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Trước tình thế đó, tháng 11/1950, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thống nhất ban hành lệnh ném bom hạt nhân vào các căn cứ quân sự ở Mãn Châu, nếu quân đội Trung Quốc tiến vào Triều Tiên, hoặc máy bay ném bom nước này tấn công Hàn Quốc.
Tổng thống Harry S.Truman yêu cầu chuyển bom hạt nhân chiến thuật Mark 4 cho tập đoàn không quân số 9, cùng máy bay ném bom B-29 triển khai đến đảo Guam. Lầu Năm Góc cố tình tiết lộ việc triển khai cho tờ New York Times nhằm cảnh báo Trung Quốc.
Khi quân đội Liên Hợp Quốc bị đẩy khỏi sông Áp Lục, tổng thống Truman tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, “sử dụng vũ khí hạt nhân luôn được xem xét một cách tích cực”. Tuy nhiên, Bắc Kinh không hề nao núng trước kế hoạch tấn công hạt nhân của Mỹ.
Theo Trung tâm lịch sử quân sự Mỹ, tuyên bố sử dụng vũ khí hạt nhân của tổng thống Truman gây ra mối quan ngại sâu sắc đối với các nước châu Âu. Tháng 12/1950, thủ tướng Anh, Pháp đại diện cho lợi ích các nước châu Âu đã đến Mỹ để hội đàm với tổng thống Truman.
Anh, Pháp lo ngại sự mất cân bằng địa chính trị khiến NATO không có khả năng tự vệ khi Mỹ giao tranh với Trung Quốc. Điều này có thể tạo cơ hội cho Liên Xô chinh phục khu vực Tây Âu. Trước những quan ngại của đồng minh, Washington đã từ bỏ kế hoạch tấn công hạt nhân.
Các mũi tấn công của quân đội Liên Hợp Quốc về sông Áp Lục. Đồ họa: NDY. |
Tháng 4/1951, Tổng thống Truman ra chỉ thị sa thải tướng MacArthur vì thách thức mệnh lệnh của ông, người giữ vai trò Tổng Tư lệnh quân đội. Tướng Matthew Ridgway được bổ nhiệm thay thế MacArthur.
Đại tá Sid Huff, trợ lý của tướng MacArthur, từng viết trong cuốn hồi ký của ông rằng nhóm tư vấn cho Hội đồng An ninh Quốc gia đánh giá thấp hiệu quả của việc sử dụng bom hạt nhân trong việc ngăn chặn Trung Quốc.
Cơ sở hạ tầng thô sơ, các căn cứ hậu cần nằm rải rác dọc theo biên giới Trung - Triều rất khó để phá hủy hết nếu chỉ sử dụng số lượng bom hạn chế. Trong khi đó, phần lớn bom hạt nhân của Mỹ được sử dụng để đối phó với Liên Xô.
Ngoài ra, gió có thể đẩy bụi phóng xạ từ cuộc tấn công ở biên giới lan tới Hàn Quốc, thậm chí là Nhật Bản. Việc tấn công hạt nhân vào Trung Quốc có thể kéo theo cuộc đáp trả hạt nhân từ Liên Xô với hậu quả vô cùng thảm khốc.
Tác giả: Quốc Việt
Nguồn tin: Báo Zing