Người dân Israel xem pháo hoa trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập quốc gia hôm 18/4. Ảnh: AFP. |
Quốc hội Israel hôm nay thông qua dự luật mới với 62 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 2 phiếu trắng, đưa tiếng Hebrew trở thành ngôn ngữ quốc gia và xác định việc thành lập các cộng đồng người Do Thái là lợi ích quốc gia, theo AFP.
Dự luật mới nói rằng Israel là quê hương lịch sử của người Do Thái và chỉ người Do Thái có quyền tự quyết định vận mệnh quốc gia dân tộc. Tiếng Arab, từng là một ngôn ngữ chính thức, bị hạ cấp thành "trạng thái đặc biệt".
"Đây là thời điểm quyết định trong lịch sử của nhà nước Israel. Chúng ta ghi nhận bằng pháp luật nguyên tắc cơ bản cho sự tồn tại của chúng ta: Israel là một quốc gia dân tộc của người Do Thái, quốc gia này tôn trọng quyền cá nhân của tất cả các công dân nước mình", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu được chính phủ cánh hữu của ông ủng hộ.
Dự luật gây tranh cãi được thông qua sau lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nhà nước Israel. Nhiều thành viên phe đối lập đã lên án việc bỏ phiếu, xem đây là sự phân biệt chủng tộc đối với người Arab. Khi được Liên Hợp Quốc trao quyền lập quốc vào năm 1948, những người Do Thái lưu lạc khắp nơi trở về và xây dựng nên đất nước Israel như ngày nay. Người Arab chiếm khoảng 17,5% trong số hơn 8,5 triệu dân của Israel.
Người đứng đầu đảng Liên minh Arab Ayman Odeh gọi dự luật mới là "cái chết của nền dân chủ". Tổng thống Israel Reuven Rivlin và Thứ trưởng Tư pháp Raz Nizri cũng phản đối dự luật mới. Rivlin từng cảnh báo dự luật này "gây tổn hại cho người Do Thái ở Israel, người Do Thái trên toàn thế giới và cho chính nhà nước Israel".
Benny Begin, con trai của cựu thủ tướng Israel Menachem Begin, người sáng lập đảng cầm quyền Likud của Netanyahu, đã không tham gia bỏ phiếu, cảnh báo đảng này đang ngày càng xa rời nhân quyền. "Đây không phải là quyết định tôi mong đợi từ lãnh đạo Likud", ông nói.
Tại khu tự trị Ma'alot-Tarshiha, gồm thị trấn Ma'alot của người Do Thái và thị trấn Tarshiha của người Palestine, những người Palestine đều bày tỏ sự phẫn nộ.
"Tôi cho rằng đây là một đạo luật phân biệt chủng tộc của một chính phủ cánh hữu cấp tiến đang tạo ra những điều luật cực đoan và gieo những hạt giống tạo ra tình trạng phân biệt chủng tộc", bác sĩ Bassam Bisharah, 71 tuổi, nói.
"Mục đích của luật này là phân biệt đối xử. Họ muốn loại bỏ hoàn toàn người Arab. Người Israel muốn tiêu diệt tất cả các tôn giáo của người Arab", Yousef Faraj, 53 tuổi, cho biết.
Người Arab ở Israel ngày nay vẫn có đầy đủ quyền lợi trước pháp luật. Tuy nhiên, họ thường phàn nàn về việc phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong các dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, nhà ở.
Tác giả: Huyền Lê
Nguồn tin: Báo VnExpress