Những vụ hành quyết góp phần giúp IS reo rắc nỗi kinh hoàng.
Ảnh: AFPCNN dẫn báo cáo của HRW cho biết, nhóm khủng bố cực đoan khét tiếng nhất thế giới hành quyết 49 người ở Sirte, Libya từ tháng 2/2015, trong đó có 21 người theo đạo Thiên chúa. Hai người cao tuổi bị cáo buộc là “phù thủy” và chặt đầu công khai trong tháng 10 năm ngoái.
Ông Letta Tayler, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về khủng bố và chống khủng bố của HRW, nhấn mạnh: “Như thể việc người dân bị bắn và hành quyết bởi kẻ thù chưa đủ, IS reo rắc thêm nỗi sợ hãi ở Sirte bằng những luật lệ Hồi giáo hà khắc. Trong khi sự tàn bạo của IS ở Iraq và Syria nổi danh khắp thế giới, tổ chức này cũng gây ra nhiều vụ giết người trên đất Libya”.
IS khuyến khích người dân tới xem các vụ hành quyết công khai. Khi đao phủ thực hiện xong việc chém đầu, hắn cầm thủ cấp nạn nhân cho đám đông nhìn rõ. Ngoài ra, nhiều người bị giết bằng cách bắn vào đầu. Ít nhất 2 người bị buộc tội gián điệp đã bị hành quyết và treo lơ lửng nhiều ngày để thị uy.
Tình trạng vô chính phủ ở Libya sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ khiến quốc gia Bắc Phi chìm trong nội chiến, tạo cơ hội để IS lộng hành. Mỹ ước tính khoảng 4.000 đến 6.000 phiến quân IS đang hoạt động ở Libya. Lầu Năm Góc đang cung cấp thêm nguồn lực để liên quân đối phó với lực lượng này.
HRW mô tả cuộc sống ở Sirte cũng lâm vào cảnh địa ngục như ở Raqqa, Syria và Mosul, Iraq, những nơi IS đang kiểm soát. Lực lượng khủng bố đưa lương thực, thuốc men, nhiên liệu và tiền cho các phần tử chiếm đóng Sirte và chiếm giữ nhà của của người dân.
“Chúng tôi không có rau hay thịt. Hầu như các cửa hàng đều đóng cửa. Trong khi đó, Daesh (tên gọi khác của IS) đang sống trong nhà chúng tôi và không thiếu thốn gì”, một người dân Sirte mô tả cuộc sống dưới sự kiểm soát của IS. Tình trạng bi đát khiến 2/3 trong số 80.000 dân thành phố Sirte đi tị nạn.
Sirte là thành phố quê nhà của cựu lãnh đạo Gaddafi, người bị sát hại năm 2011 bởi lực lượng nổi dậy. Ban đầu, phương Tây ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động chống chính quyền Gaddafi với kỳ vọng đất nước Bắc Phi sẽ đi theo con đường dân chủ mà họ hậu thuẫn. Nằm bên bờ biển Địa Trung Hải, Sirte cách quốc đảo Malta của châu Âu khoảng 560 km.
Tác giả bài viết: Hồng Duy