Nhiều tuyến đường ở huyện miền núi Minh Hóa được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. |
Xã điểm rớt chuẩn nông thôn mới
Quy Hóa là một xã miền núi nằm ở trung tâm huyện Minh Hóa, có nhiều thuận lợi về cả giao thông và địa hình, do vậy được chọn làm xã điểm trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của địa phương. Với sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và người dân, cuối năm 2015, Quy Hóa là xã duy nhất của huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, theo các tiêu chí mới của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, xã Quy Hóa có tiêu chí hộ nghèo chưa đạt, điều đó đồng nghĩa với việc rớt chuẩn theo quy định.
Chủ tịch UBND xã Quy Hóa Ðinh Xuân Hoàng cho biết, tuy đã có nhiều giải pháp để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo song kết quả mang lại chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do người dân thiếu đất sản xuất. Là xã nông nghiệp với 330 hộ nhưng cả xã chỉ có 30 ha đất trồng lúa hai vụ, năng suất bình quân đạt 45 tạ/ha và một số diện tích trồng ngô, lạc, rau màu các loại. Ngoài ra, xã có hơn 550 ha đất lâm nghiệp nhưng chỉ có 113 ha rừng sản xuất, 330 ha rừng giao khoán bảo vệ, số còn lại là diện tích đồi núi đá. Chăn nuôi ở Quy Hóa kém phát triển vì không có đồng cỏ để cung cấp thức ăn cho gia súc. Các lĩnh vực khác như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn cũng chưa phát huy được hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện là 18 triệu đồng/năm, trong khi theo bộ tiêu chí mới, thu nhập bình quân đầu người của xã miền núi phải đạt từ 36 triệu đồng/người/năm. Trưởng thôn 3 Thanh Long, xã Quy Hóa Trương Thị Sang chia sẻ: Qua rà soát và phân loại hộ nghèo cuối năm 2017, cho thấy đời sống bà con chưa có chuyển biến, thậm chí nhiều hộ chịu ảnh hưởng của bão số 10 trong tháng 9 vừa qua, càng khó khăn hơn, do nhà cửa, vật dụng hư hỏng. Trong khi đó, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng hiện nay được tính bằng thang điểm ở mức cao hơn trước nhiều.
Hầu hết người dân luôn có ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân trong xã còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Không chỉ thiếu ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo mà một số hộ muốn "xin" làm hộ nghèo hoặc cận nghèo để được hưởng chế độ ưu đãi. Việc này cũng làm ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo của địa phương.
Phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập
Qua sáu năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, huyện Minh Hóa có một xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 10 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí và bốn xã đạt từ năm đến chín tiêu chí. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Ðinh Minh Hương, khó nhất trong xây dựng NTM trên địa bàn là tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và xây dựng cơ sở hạ tầng. Chưa dừng lại đó, bão số 10 giữa tháng 9 đổ bộ trực tiếp gây thiệt hại lớn đối với huyện nghèo này. Toàn huyện có hơn 9.400 ngôi nhà bị đổ sập và hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Chủ tịch UBND xã Yên Hóa Ðinh Văn Nam cho biết: "Sau bão, xã có 11 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 996 nhà bị hư hỏng. Những hộ có nhà bị hư hỏng phải tự khắc phục song với các hộ nhà bị sập, chính quyền và bà con phải hỗ trợ họ mới làm lại được. Xã phấn đấu mỗi năm giảm 3% số hộ nghèo nhưng sau trận bão vừa qua, số hộ nghèo và hộ cận nghèo không những chưa giảm mà còn tăng lên 5%".
Bảy năm trước, huyện Minh Hóa ban hành chính sách khuyến khích trồng rừng kinh tế và được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ trồng rừng, tiềm năng đất đai được khai thác, phát huy hiệu quả, thu nhập người dân cũng tăng lên. Thế nhưng bão số 10 đã làm nghề rừng thiệt hại một cách đáng kể. Ðồng chí Ðinh Minh Hương cho biết, toàn huyện có gần 5.000 ha rừng trồng bị gãy đổ, trong đó có gần một nửa diện tích đang ở kỳ khai thác với giá trị 65 đến 70 triệu đồng/ha, trừ chi phí, người dân có thu nhập 45 đến 50 triệu đồng. Rừng tại một số địa phương như xã Hóa Phúc, Xuân Hóa, Hồng Hóa, Trọng Hóa,... gần như bị xóa sổ. Qua rà soát cuối năm cho thấy, tiêu chí bị sụt giảm lớn nhất do ảnh hưởng của bão số 10 vẫn là tiêu chí về thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Thực tế này đòi hỏi Huyện ủy, UBND huyện Minh Hóa phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong vấn đề phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo để từng bước rút ngắn lộ trình cán đích NTM. Ðồng chí Ðinh Minh Hương cho biết, huyện sẽ xây dựng cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, nhất là các mặt hàng có thế mạnh như lạc, mật ong... Huyện khuyến khích thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác để sản xuất nông sản theo chuỗi nhằm tăng giá trị sản phẩm. Về cơ bản, trồng rừng kinh tế vẫn là thế mạnh, mang lại giá trị cao cho người dân. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, huyện khuyến khích người dân trồng các giống cây lâm nghiệp có tính chống chịu gió bão cao. Trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm để hình thành các gia trại và trang trại. Mặt khác, huyện Minh Hóa thực hiện việc lồng ghép linh hoạt nguồn vốn từ các chương trình, đề án giảm nghèo để hỗ trợ nông dân tổ chức những mô hình sản xuất mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập, nâng cao đời sống, từ đó có thêm nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.
Tác giả: HOÀNG PHÚC
Nguồn tin: Báo Nhân dân