Giáo dục

Huy động giáo viên giỏi làm đề thi THPT quốc gia 2017

Bộ GD&ĐT đang lập ban soạn thảo đề thi trắc nghiệm cho các môn thi THPT quốc gia, huy động thầy cô giáo giỏi trong cả nước cùng tham gia.

Ngày 6-11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga cho biết kế hoạch chi tiết cho công tác làm đề thô, đề cho học sinh thi thử đã được thực hiện nhằm tiến tới chuẩn hóa đề các môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Tháng 5-2017, có ngân hàng đề đủ lớn

Việc làm này bảo đảm đến tháng 5-2017 sẽ có một ngân hàng đề thi đủ lớn và chất lượng để mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Theo ông Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT đã đưa ra hàng rào kỹ thuật để bảo đảm tính an toàn, nghiêm túc, khách quan cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Đối với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, bộ sẽ cho mỗi thí sinh làm một đề thi riêng nên dù có ngồi cạnh thì cũng không thể nhìn bài nhau được. Sau khi thí sinh thi xong, việc chấm thi sẽ được thực hiện bằng máy với độ chính xác cao nên loại trừ những tiêu cực cũng như khắc phục được sự thiên vị trong quá trình chấm thi.

chot 12 6 12 1478445513133
Thí sinh ôn bài trước khi bước vào phòng thi THPT quốc gia 2016 Ảnh: Tấn Thạnh

Trong quá trình coi thi, ngoài những cán bộ quản lý, giáo viên các Sở GD-ĐT, trường THPT thì Bộ GD-ĐT cũng cử giảng viên các trường ĐH, CĐ xuống các địa phương để phối hợp thực hiện công tác coi thi. “Đây là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm các trường ĐH, CĐ có thể lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia phục vụ cho công tác tuyển sinh” - ông Ga nói.



Chú trọng độ khó tương đương của câu hỏi

Nói thêm về đề thi vốn đang là vấn đề khiến nhiều người lo lắng, PGS-TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho biết theo quy trình, Bộ GD-ĐT sẽ phải xây dựng ma trận đề thi chung, rồi mỗi môn học với mỗi kỳ thi sẽ lại có ma trận đề thi riêng. Khi xây dựng ma trận, nhóm chuyên gia sẽ xác định số lượng câu hỏi cho một đề thi, mức độ dễ - khó của đề. Người viết câu hỏi (là các thầy cô giáo hoặc các nhà chuyên môn) sẽ dựa vào ma trận để quyết định hỏi kiến thức gì, ở phần nào, bao nhiêu câu hỏi. Sau khi đã soạn xong câu hỏi cho một chương (hoặc một phần, một môn), nhóm giáo viên làm đề thi của từng môn đó sẽ cùng nhau phân tích từng câu hỏi và xem độ khó của chúng đã tương đương nhau chưa.

Bước tiếp theo, họ đem câu hỏi để thử nghiệm trực tiếp với người học. Sau bước thử nghiệm sẽ có một nhóm chuyên gia khác nhập câu hỏi vào phần mềm chuyên dụng để đánh giá độ khó dễ và độ tin cậy từng câu hỏi. Theo bà Nga, căn cứ vào kết quả phân tích của phần mềm, người tạo đề thi lựa chọn các câu hỏi đo cùng độ khó dễ và kiến thức kỹ năng cho vào một ô. Khi làm đề, phần mềm sẽ nhặt ra mỗi ô từ một đến một số câu hỏi theo phương pháp ngẫu nhiên, từ đó máy sẽ chạy ra một loạt đề với độ khó tương đương nhau như yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

Nhóm GX không tổ chức thi thêm

Dù phương án thi của Bộ GD-ĐT có nhiều thay đổi nhưng để giữ ổn định công tác tuyển sinh, nhóm trường GX (gồm 12 trường ĐH dùng chung phần mềm xét tuyển: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Ngoại thương, Thủy lợi, Giao thông Vận tải, Mỏ Địa chất, Thăng Long, Công nghiệp Hà Nội, Công nghệ Giao thông Vận tải, Học viện Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển) đã thống nhất năm 2017 tiếp tục lấy điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển. Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì nhóm GX - cho biết năm 2017, nhóm dự định mở rộng khoảng trên 20 trường ĐH để cùng xét tuyển. Các trường trong nhóm thống nhất không tổ chức thi thêm mà chỉ lấy điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển chung.

Theo ông Điền, năm 2016, nhóm GX đã tránh được thí sinh “ảo” rất tốt, hầu hết các trường đều tuyển sinh đạt trên 95% chỉ tiêu đề ra.

Tác giả bài viết: YẾN ANH

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP