Từ khi còn là cầu thủ, Hữu Thắng đã sớm bộc lộ tố chất của một thủ lĩnh ở một đội bóng chưa bao giờ được xem là mảnh đất lành như SLNA. Giữa vô vàn những gương mặt đều thuộc hàng “số má” của bóng đá Việt Nam, Thắng “mạch” nổi lên như một nhân vật tầm cỡ, mà tiếng nói thậm chí có lúc mang uy quyền hơn cả HLV trưởng.
Đang vững như núi ở SLNA, Hữu Thắng bất ngờ vướng vào vòng lao lý, do những món nợ do bóng đá tạo nên. Người ta đã tưởng, tượng đài bóng đá xứ Nghệ sẽ mãi bị chôn vùi. Nhưng gần như ngay khi trở lại và “bập” vào nghiệp cầm quân, Hữu Thắng lập tức nổi danh. Sau thành tích giúp Hà Nội T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển trụ lại V.League 2009 một cách đầy ngoạn mục, Hữu Thắng quay trở lại đội bóng cũ SLNA. Từ đây, làng bóng đá Việt Nam có thêm một tên tuổi lớn trên hàng ghế HLV. Hữu Thắng nhanh chóng được “tề danh” với những tên tuổi đương thời, như Hoàng Anh Tuấn hay Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ… Một cuộc sống mới tươi đẹp trở lại với nhân vật từng là lá chắn thép ở hàng thủ đội tuyển Việt Nam.
Năm 2011, SLNA đăng quang chức vô địch V.League sau trận đấu nghẹt thở với chính Hà Nội T&T trên sân Vinh. Chiến tích này đã đưa Hữu Thắng trở lại nguyên vẹn như một tượng đài của bóng đá xứ Nghệ. Cái uy của một người anh cả, có đủ quan hệ và sức mạnh để khiến lớp cầu thủ phía dưới phải nể, sợ đã giúp Hữu Thắng một lần nữa xây dựng được một tập thể SLNA giàu sức chiến đấu. Từ thời điểm trên, cựu trung vệ xứ Nghệ mới thực sự được đánh giá như một trong những HLV xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam đương thời.
Người trong cuộc biết rằng, trước khi nhận lời ngồi vào chiếc ghế “nóng” ở tuyển Việt Nam sau khi ông Toshiya Miura ra đi, Hữu Thắng đã không ít lần từ chối lời mời của LĐBĐVN (VFF). Để đi đến quyết định trên, Hữu Thắng cũng đã phải cân nhắc rất nhiều, từ tham vấn những người trong cuộc, tới cuộc trò chuyện mang tính quyết định với ông bầu Đoàn Nguyên Đức (cũng là Phó chủ tịch VFF).
Hữu Thắng và bước ngoặt cuộc đời - ảnh 1Hữu Thắng được đánh giá như một trong những HLV xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam đương thời
Không phải ngẫu nhiên, trong suốt giai đoạn cầm quân vừa qua, Hữu Thắng bị điều tiếng là có sự thiên vị cho các cầu thủ thuộc Học viện HA.GL-Arsenal-JMG. Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng hay thậm chí là Văn Toàn, Văn Thanh…những gương mặt nổi bật nhất của HA.GL luôn có tên trong danh sách đội tuyển Việt Nam mỗi đợt tập trung. Bất chấp việc phải dành gần như toàn bộ thời gian trên ghế dự bị, 3 cầu thủ “con cưng” của bầu Đức đang thi đấu ở nước ngoài, là Tuấn Anh (FC Yakohama), Xuân Trường (Incheon United) và Công Phượng (Mito Hollyhock) luôn được Hữu Thắng triệu tập. Sức ép có lẽ đã trở nên rất lớn với cựu trung vệ xứ Nghệ, nếu không phải Tuấn Anh và Xuân Trường đều thi đấu tốt, phần nào tạo được niềm tin đối với giới chuyên môn và công luận. Công Phượng có kém hơn, nhưng vẫn được chờ đợi sẽ toả sáng ở AFF cup 2016.
Làm mới mình cùng đội tuyển Việt Nam
Không ít người đã hoài nghi về khả năng Hữu Thắng có thể xây dựng được lối chơi thích hợp cho đội tuyển Việt Nam. Điều này là có cơ sở, nếu nhìn vào thực tế sự nghiệp cầm quân của Hữu Thắng tại SLNA. Đội bóng xứ Nghệ ít gây ấn tượng về chuyên môn, mà chỉ nổi tiếng với lối thi đấu quyết liệt, thậm chí có phần “rắn”. SLNA không ít lần bị chỉ trích vì lối đá “chém đinh, chặt sắt” ở V.League, đến mức từ Hữu Thắng tới TGĐ Nguyễn Hồng Thanh đều dăm bận phải lên tiếng thanh minh, phân trần. Ở góc độ cá nhân, Hữu Thắng ít được đánh giá cao về khả năng xây dựng lối chơi mà như trên đã nói, nổi tiếng hơn ở góc độ quản quân. Xét về lối chơi, Hà Nội T&T dưới thời HLV Phan Thanh Hùng được thừa nhận nhiều hơn như một đội bóng có bản sắc riêng, chơi phối hợp ngắn ít chạm.
Xét trong bối cảnh trên, những gì cựu trung vệ xứ Nghệ đang tạo dựng với đội tuyển Việt Nam có thể coi là một sự thành công, thậm chí mang tính chất đổi mới với chính Hữu Thắng. So với thời HLV Toshiya Miura, tuyển Việt Nam hiện nay có phần mềm mại hơn, khả năng kiểm soát bóng cũng như phối hợp tấn công trở nên đa dạng và mềm mại. Dĩ nhiên, Hữu Thắng được đánh giá là có may mắn so với HLV Miura, khi không chịu áp lực từ dư luận mỗi khi áp dụng chiến thuật phòng ngự-phản công trước các đối thủ trên cơ. Điển hình như trận đấu lượt về Iraq trong khuôn khổ Vòng loại World Cup 2018.
Lịch sử bóng đá Việt Nam ghi nhận, chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG luôn nóng bỏng, và sự nghiệp của người thuyền trưởng luôn chìm nổi theo thành tích ở đấu trường khu vực. Trước Hữu Thắng, chưa HLV nội nào, từ Phan Thanh Hùng tới Hoàng Văn Phúc một lần thành công. Người nào cũng đã phải ra đi trong cay đắng, thậm chí với không ít bẽ bàng. Quyết định của Hữu Thắng vì vậy có thể ví như một canh bạc thực sự. Hoặc thắng để có tất cả, hoặc thua và bóng đá Việt Nam lại trở về với guồng quay quen thuộc cùng một HLV ngoại.
Nguồn tin: Tạp chí điện tử ngày nay online