Giáo dục

Hút - dẫn - chốt - mở: 4 loại câu hỏi trong dạy học

Trong dạy học nhằm phát triển năng lực của học sinh, giáo viên cần có ý thức về cách đặt câu hỏi theo kế hoạch bài dạy. Tuy không loại trừ cảm hứng trong dạy học nhưng thực sự hầu hết những câu hỏi tùy tiện không đưa đến thành công.

Với kinh nghiệm hơn 24 năm dạy học, cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) đã tự đúc kết được bốn các loại câu hỏi sau:

Câu hỏi hút

Câu hỏi hút nhằm thu hút cuốn người học theo bài, câu hỏi để dẫn dụ để mở lối và câu hỏi để đưa người học về đích.

Đây là loại câu hỏi tu từ, cần để đưa đẩy, gỡ rối khi học sinh mắc mớ hoặc chưa thể trả lời câu hỏi chính.

Nếu không có vệc dùng câu hỏi tu từ thì bài giảng như không có điểm bám dính vào suy nghĩ của người đang học, nói sẽ “trôi” và dễ tuột khỏi tâm trí người đang tiếp nhận thông tin. Đó là kiểu câu hỏi kiểu bạn có nhớ, có biết rằng... và đây là thông tin chính xác…

Câu hỏi này thuộc loại nhận biết, trong môn Ngữ văn, câu hỏi nhận biết cũng có vai trò nhất định vì loại câu hỏi này có giá trị kéo sự chú ý của đám đông, lấy sự đồng tình, tạo sôi nổi cho giờ dạy. Tuy nhiên, nếu lạm dụng câu hỏi loại này sẽ dần đến rườm lời giảng, học sinh dễ bị nhàm chán, lớp dễ bị ồn.

Câu hỏi dẫn

Câu hỏi dẫn là câu hỏi có định hướng, có dự báo và chỉ dẫn cách làm. Câu hỏi kiểu bạn thấy thế nào? Còn tôi thấy thế này… Ở quy mô đề văn thì loại câu hỏi này là đề nổi (lộ ý chính, có chỉ dẫn tiến trình thực hiện), về giá trị phát triển năng lực thì đây là câu hỏi vận dụng bậc thấp.

Câu hỏi chốt

Câu hỏi chốt là loại câu hỏi để học sinh bày tỏ những hiểu biết cũng như quan điểm về bài học. Câu hỏi này giúp tổng hợp kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và khả năng thuyết phục.

Đây là câu hỏi vận đụng cần có ở mọi bài học. Với học sinh học khá trở lên, với loại câu hỏi này, học sinh rất chủ động về chất liệu và hình thức trả lời.

Ví dụ như cuối mỗi bài đọc hiểu, đây là câu hỏi để có cái nhìn khái quát về nội dung và nghệ thuật.

Câu hỏi mở

Câu hỏi mở là câu hỏi nhường toàn quyền cho người trả lời tự định hướng, tự sáng tạo... Ví dụ: Nghĩ một kết khác cho câu chuyện dân gian?...

Về giá trị phát triển năng lực thì đây là câu hỏi vận dụng nâng cao. Nếu lạm dụng loại câu hỏi này, “cục diện học tập” của lớp nghiêng về một vài học sinh khá giỏi, bạo dạn.

Cô Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: Phân loại câu hỏi thu hút, đưa đẩy hay chốt kiến thức và mở rộng trong bài giảng khiến cho người dạy chủ động quá trình phân bố câu hỏi. Tôi xin ví câu hỏi như cây xanh tạo dưỡng khí cho môi trường bài học.

Ví dụ về câu hỏi: Hút - dẫn - chốt - mở

Cô Nguyễn Kim Anh nêu ví dụ chùm câu hỏi cho bài Tấm Cám như sau:

Câu hỏi hút: Con cá bống còn lại trong giỏ nói điều gì?

Câu hỏi dẫn: Là Hoàng hậu về giỗ bố, sao Tấm lại phải trèo cau? Chi tiết này nói lên điều gì?

Nếu không muốn bị chặt, bị đốt, tại sao khung cửi lại “cót két: cảnh báo hình phạt?

Câu hỏi chốt: Tại sao Tấm phải làm lụng và ở cùng bà cụ trước khi trở lại kiếp người?

Câu hỏi mở: Cái kết và bài học người xưa muốn gửi trong truyện cổ tích Tấm Cám?

Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) tại hội thảo "Kĩ năng đặt câu hỏi và tổ chức hoạt động nhóm nhằm phát triển năng lực cho học sinh".

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP