Tin địa phương

Hương ước cổ viết bằng chữ Hán duy nhất ở Quảng Bình

Là một hương ước cổ viết bằng chữ Hán được tìm thấy duy nhất cho đến hiện tại ở Quảng Bình, hương ước cổ làng biển Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) được biên soạn lần đầu tiên vào năm Cảnh Hưng thứ 28 (1768).

Làng Cảnh Dương được hình thành giữa thế kỷ 17, trong lúc sự phân định quyền lực giữa vua Lê, chúa Trịnh và chúa Nguyễn diễn ra gay gắt. Vùng đất Cảnh Dương thuộc bắc Bố Chính, điều hành bởi vua Lê chúa Trịnh nhưng lại ở sát vùng đất của chúa Nguyễn. Đây là địa bàn xung yếu, đầy nhạy cảm về chính trị nên cả hai phía đều lo bố phòng, tranh chấp dân cư, củng cố thế lực. Sự phát triển làng xã ở đây rõ ràng chịu sự chi phối bởi các yếu tố chính trị trên.

Trong 25 điều của hương ước làng Cảnh Dương thì có tới 8 điều liên quan đến nghề chài lưới, buôn bán. Đó là các chế định về đạo đức nghề nghiệp, nghĩa vụ đóng góp thuế lệ, về tổ chức hội nghề và phương thức ăn chia giữa chủ thuyền, thợ bạn. Điều 1 quy định: “Tại nghề thợ, nghề chài chọn cử một người năng nổ, liêm chính làm trùm; tại thuyền buôn cần chọn cử một người công chính, đạo nghĩa làm trùm” (tr.38). Dù là làm nghề chài lưới hay đi buôn đều phải thường xuyên lênh đênh trên biển đối diện với thách thức, rủi ro. Vậy nên sự năng nổ, mạnh mẽ, sự dũng cảm và tinh thần tương trợ, đạo nghĩa của người đứng đầu là rất cần thiết.

Trang mở đầu của hương ước làng biển Cảnh Dương.

Liên quan đến những người làm nghề ngư, lệ làng có những quy định nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa chủ thuyền, thợ bạn, những người làm công, đó là việc phân chia tiền, trả công bạn chài hay giữ hợp đồng lao động. Điều chỉnh các mối quan hệ đó nhằm giúp cho làng xóm có được nền nếp, kỷ cương, giữ tình đoàn kết và cạnh tranh phát triển nghề nghiệp một cách lành mạnh là điều cần thiết. Điều 10 ghi rõ: “Trong làng việc đi biển đánh cá đều theo thứ tự phân định, nếu ai xằng bậy, tham lam, hoành hành bị làng phạt một con heo, giá tiền xưa 5 quan. Còn dân làng theo đó làm ăn, không được giành giựt người ngoài, gây nên sinh sự thì bị xét xử”(tr.41).

Việc đảm bảo nghĩa vụ với nhà nước, với làng quê cũng tập trung ở hai đối tượng chính là lính và dân làm nghề. Nghĩa vụ thuế với nhà nước, lệ làng quy định: “Hằng năm hai vụ xuân, hè thương sư và đà sư (lái ghe và lái thuyền) của thuyền buôn và thuyền chài đều phải ghi bộ đinh buôn hay chài, chiếu theo suất mà thu tiền thuế, nạp tại các viên trương dịch và thu dịch năm đó thu nhận, viết biên lai, theo kỳ mà cấp phát binh lương, nếu thiếu thì dân buôn trách tại thương sư, dân chài trách tại đà sư”(Điều 6, tr.40).

Ngoài nộp thuế theo bộ đinh, dân làng Cảnh Dương còn có nghĩa vụ tham gia vào các đội thuyền vận tải cho nhà nước, cũng giống như thợ thủ công lành nghề làm công không lương theo thời gian quy định trong các quan xưởng thủ công của nhà nước vậy. Điều 7 quy định: “Tàu thuyền từ khi về làng đến nay, phân chia 5 sưu (5 đơn vị tàu), làng chọn người đủ sức làm thuyền hộ, lo tạo thuyền, công vụ mỗi lượt 3 năm thì đổi.

Còn thủy thủ thì cần chiếu theo bộ đinh và thuyền số, cương lạc mà họp chọn ra”. Ngoài nghĩa vụ thuế, công dịch thuyền vận tải cho nhà nước, thủy thủ, thuyền chài lưới và thuyền buôn còn phải nộp các khoản thuế lệ cho làng, biếu quan viên chức dịch: “Thủy thủ và trùm trạo, mỗi người cống hành cộng 34 tháng, mỗi tháng chuẩn cho nạp tiền thay là 3 quan 5 mạch. Lại nạp tiền 36 quan thì được miễn lao dịch. Thuyền buôn phải lo liệu tiền biếu hằng năm.

Mỗi chiếc một quan, biếu lại lý trưởng, dịch mục cùng thu, thuyền có hạng to, vừa, nhỏ, bất nhất vì thế không ngang nhau nên thuyền lớn nạp tiền 3 quan, thuyền vừa nạp tiền 2 quan, thuyền nhỏ nạp 1 quan. Trung tuần tháng 5 các chủ thuyền theo lệ nạp tiền tại xã dịch lo việc công tiêu. Nếu cố tình trốn tránh hoặc quá hạn thì làng phạt, chẳng tha” (tr.59-60).

Bên cạnh các khoản đóng góp quy thành nghĩa vụ rõ ràng, các nhà làm nghề, người buôn bán khá giả còn có nghĩa vụ xung vào công quỹ với làng để tổ chức tế lễ, xây dựng các công trình công cộng: Đường sá, đình, chùa, am miếu, với tinh thần hiệp nghĩa, thiện nguyên. Đây cũng là một hình thức thể hiện tính cộng đồng làng xã, trách nhiệm con dân đối với quê hương bản xứ. Truyền thống này của người dân Cảnh Dương vẫn được duy trì cho đến hôm nay.

Hương ước cổ làng biển Cảnh Dương ra đời hàng trăm năm nay và được nhiều lần sửa đổi, bổ sung và giữ gìn cẩn thận. Đây là một sản phẩm văn hóa làng xã rất quan trọng góp phần minh định về đời sống chính trị - xã hội của các làng nghề ven biển miền Trung qua tiến trình lịch sử. Trải qua quá trình tồn tại và phát triển dài lâu, hương ước làng Cảnh Dương dựa trên những giá trị truyền thống bất biến đã được dân làng hoàn thiện, để rồi từ đó trực tiếp giữ gìn lệ làng, phép nước, góp phần mình vào việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Tác giả: Quang Trung

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP