Theo đó, Phó Thủ tướng Hungary Zsolt Semje đề nghị quốc hội nước này hoãn cuộc bỏ phiếu đến ngày 27/3. Trước đó, Quốc hội Hungary dự kiến bỏ phiếu về tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển và Phần Lan vào ngày 20/3.
Theo Phó Thủ tướng Zsolt Semjen, các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Hungary với cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu về việc Budapest bị cáo buộc vi phạm các yêu cầu luật pháp của khối là lý do cho sự chậm trễ này.
Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia thành viên NATO duy nhất chưa phê chuẩn việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này. (Ảnh minh họa: Hungarytoday.hu) |
AP cho hay, Chủ tịch Quốc hội Hungary, cũng là một thành viên trong liên minh cầm quyền, sẽ chấp thuận yêu cầu hoãn bỏ phiếu tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển và Phần Lan.
Đây là lần trì hoãn thứ hai trong hai tuần và là lần mới nhất trong số nhiều lần xảy ra liên tiếp kể từ tháng 7 năm ngoái của Quốc hội Hungary.
Tháng 5 năm ngoái, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Theo quy định, đơn này cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên của NATO.
Hungary cùng với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là 2 quốc gia thành viên NATO còn lại chưa chấp thuận đề nghị gia nhập liên minh quân sự phương Tây của hai nước Bắc Âu. Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan vì giận dữ trước các cuộc biểu tình hồi tháng 1, trong đó có vụ đốt kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.
Tổng thư ký NATO hôm 7/3 nói ông thấy một số "tiến bộ" trong nỗ lực gia nhập liên minh của Phần Lan và Thụy Điển trước thềm đàm phán với Ankara. "Chúng tôi đang đạt tiến bộ", ông Stoltenberg nói trong chuyến thăm Thụy Điển, thêm rằng hoàn thiện tư cách thành viên của hai nước Bắc Âu là "ưu tiên hàng đầu".
Theo ông Stoltenberg, Thụy Điển "đã thực hiện" thỏa thuận ký với Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái nhằm mở đường cho nỗ lực gia nhập NATO. "Đã đến lúc hoàn tất quá trình phê duyệt", ông nhấn mạnh.
Nga nhiều lần cáo buộc NATO vi phạm cam kết trước đó là không mở rộng về phía đông. Moskva cho rằng NATO ngày càng cho thấy xu hướng đối đầu với Nga bằng cách tập hợp quân đội và vũ khí gần biên giới Nga trong nhiều năm.
Tác giả: KÔNG ANH
Nguồn tin: Báo VTC