Sau hơn 3 tuần xét xử và nghị án, chiều 31-5, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (tiền thân của ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, hiện nay là ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB) đối với bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng Đại Tín, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ) và 27 đồng phạm.
Nhận định, về tố tụng, HĐXX cho rằng: Trước khi bị khởi tố, bị cáo Phấn nhập viện và từ đó đến nay luôn trong tình trạng khó tiếp xúc nên CQĐT, VKS tối cao chưa thể hỏi cung để làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo. Dù CQĐT không thể làm việc được với bị cáo Phấn nhưng trong khoảng thời gian này bị cáo vẫn ký các đơn tố cáo, đơn kiến nghị.
Quá trình xét xử, bị cáo Phấn vắng mặt không lý do nhưng xét bị cáo tuổi cao, đi lại khó khăn, việc vắng mặt của bị cáo không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Các bị cáo đang nghe tuyên án. |
Về hành vi phạm tội của bà Phấn, quá trình điều tra và xét xử tại toà, lời khai nhận tội của các bị cáo khác, HĐXX khẳng định đủ cơ sở để xác định: trong vụ án này bà Phấn là người chủ mưu, vì lòng tham lôi kéo hàng loạt người thân, nhân viên cấp dưới thực hiện hành vi pháp luật.
Bị cáo Phấn dùng các thủ đoạn tinh vi điều phối hoạt động ngân hàng cho mục đích bản thân, bất chấp hậu quả dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tiền ngân hàng.
Từ hành vi trái pháp luật trên, bị cáo Phấn đã chiếm đoạt ngân hàng Đại Tín 1.105 tỷ đồng trong việc nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3 và hạch toán thu chi khống sử dụng trái pháp luật chiếm đoạt 5.256 tỷ đồng. Tổng cộng, bị cáo Phấn phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ số tiền mà ngân hàng Đại Tín thiệt hại do bị cáo và các đồng phạm gây ra là 6.341 tỷ đồng.
Giữ vai trò sau bị cáo Phấn, VKS xác định đó là bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ; thư ký bà Phấn), đã giữ vai trò giúp sức đắc lực cho bà Phấn thực hiện hai hành vi chiếm đoạt tiền của ngân hàng như đã nêu trên.
Đối với các cán bộ, nhân viên ngân hàng Đại Tín trong đó có các bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT), Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc)... vì nể nang, tin tưởng, nghĩ bị cáo Phấn là chủ ngân hàng nên nhận chỉ đạo của bà Phấn hoặc nhận chỉ đạo của cấp trên, bỏ qua các quy định của pháp luật, giúp sức cho bà Phấn chiếm đoạt tiền của ngân hàng Đại Tín.
Với nhận định như trên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn mức án 30 năm tù đối với hai tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt với bản án TAND cấp cao tại TP Hà Nội vừa tuyên là 30 năm tù. Cùng chịu hai tội danh trên, Bùi Thị Kim Loan bị tuyên án 28 năm tù; Ngô Kim Huệ 10 năm tù.
Liên quan đến vụ án, các thành viên trong HĐQT ngân hàng Đại Tín gồm: Hoàng Văn Toàn bị tuyên án 7 năm tù; Trần Sơn Nam 6 năm tù, các bị cáo còn lại từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù về một trong hai tội danh trên.
Về phần trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Hứa Thị Phấn bồi thường tất cả các khoản tiền đã chiếm đoạt cùng khoản lãi phát sinh và lãi phạt của hai khoản tiền trên.
Buộc Công ty Phương Trang và các công ty thuộc nhóm Phương Trang trả số tiền nợ gốc trên 3.936 tỷ đồng và lãi phát sinh đến ngày khởi tố vụ án, tổng cộng hơn 6.604 tỷ đồng.
Để đảm bảo thi hành án, HĐXX tiếp tục kê biên tất cả tài sản của bà Phấn đứng tên và nhờ người khác đứng tên đang bị kê biên. Đối với hơn 20 tài sản của nhóm Công ty Phương Trang dùng thế chấp để vay tiền tại ngân hàng Đại Tín đang bị kê biên, HĐXX tuyên giải tỏa kê biên, giao cho CB (tên gọi mới của ngân hàng Đại Tín) quản lý.
Khi nào nhóm Công ty Phương Trang hoàn trả toàn bộ số tiền hoặc một khoản tiền nào đó sẽ được nhận toàn bộ tài sản hoặc số tài sản tương ứng đối với từng khoản tiền mà Phương Trang đã trả.
Riêng tài sản thế chấp cho khoản vay 2.000 tỷ đồng trái phiếu Trường Vỹ là dự án Bình Điền (Long An), do Công ty Phương Trang thế chấp vay nhưng hoàn toàn không được giải ngân.
Đến nay xác định không có dư nợ với khoản vay này nên HĐXX tuyên giải tỏa kê biên, trả lại tài sản cho Công ty Phương Trang.
Tác giả: A.Huy
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân