Giáo dục

HS THPT được yêu cầu đóng 300 nghìn để 'chống trượt' thi tốt nghiệp

Gần 1 năm, câu chuyện gần 500 HS trường THPT Gia Lộc 2 Hải Dương phải đóng số tiền 300 nghìn để “chống trượt” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia vẫn khiến nhiều phụ huynh cảm thấy bức xúc

Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học làm một, gọi là kỳ thi THPT Quốc gia để đảm bảo tính công bằng, minh bạch và tránh những tiêu cực trong thi cử.

Thế nhưng, cách thời điểm diễn ra kì thi tốt nghiệp THPT năm 2016 không xa, PV báo Người đưa tin đã nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh ở huyện Gia Lộc (Hải Dương) có con em thi tốt nghiệp THPT năm 2015 về việc giáo viên chủ nhiệm yêu cầu đóng 300 nghìn tiền "chống trượt" tốt nghiệp THPT.

177411738023127741702055204260n 1466047318
Trường THPT Gia Lộc 2 Hải Dương

Để tìm hiểu rõ vụ việc, ngày 14/6/2016 PV đã tìm về huyện Gia Lộc (Hải Dương). Trao đổi với PV, anh N.V.A có con gái học lớp 12C, trường THPT Gia Lộc 2 (Hải Dương) bức xúc nói: “Gần đến ngày thi tốt nghiệp THPT, thì chúng tôi được mời đi họp phụ huynh. Tại buổi họp phụ huynh đó, cô giáo chủ nhiệm đã yêu cầu mỗi học sinh đóng cho nhà trường 300 nghìn tiền chống trượt tốt nghiệp”.

Giải thích rõ khái niệm “chống trượt” của con em mình, anh N.V. A cho biết: “Cô giáo chủ nhiệm nói rõ với chúng tôi rằng các em nào thi đại học thì không phải đóng nhưng các em thi lấy bằng tốt nghiệp thì mỗi em đóng 300 nghìn chống trượt. Nhưng thu được khoảng 10 ngày sau thì giáo viên gọi lên trả lại tiền vì có thông tin “ở trên” họ không nhận tiền”.

"Mặc dù sau này có trả lại nhưng cô giáo đã nói thẳng với chúng tôi đó là tiền chống trượt. Cô giáo nói điều đó trước mặt 48 phụ huynh chứ không phải chỉ nói riêng mình tôi. Mà mỗi khối như thế là 10 lớp, một lớp hơn 40 em, cô giáo chủ nhiệm công bố luôn là tiền chống trượt chứ không phải tiền thuốc nước gì hết. Các thầy hiệu trưởng, phó hiệu trưởng họp bàn đi đến thống nhất thu mỗi em 300 nghìn đồng. Cô giáo không phải gọi từng người ra nói riêng mà nói luôn trước lớp”, anh A. nói.

1344153911269243273688731013178158o 1466047403
Phụ huynh học sinh đang kể lại sự việc cho PV

Về vụ việc, anh N.V.A cũng chia sẻ thêm: “Mặc dù chuyện này nó xảy ra vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015, nhưng đến bây giờ tôi vẫn bức xúc, bức xúc ở chỗ 12 năm trời các cháu đi học mà đổi lại cái bằng cấp 3 nó rẻ rúng như thế”.

Một phụ huynh khác cũng ở huyện Gia Lộc, có con trai thi tốt nghiệp THPT năm 2015. Cũng như anh N.V.A, vị phụ huynh này khẳng định: “Con tôi học khác lớp với con nhà anh A, nhưng cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi vẫn bảo phải đóng 300 nghìn chống trượt. Nhưng về sau cô giáo gọi lên trả lại tiền”.

Khi hỏi lý do tại sao lại trả lại tiền, phụ huynh trả lời: “Chúng tôi cũng không rõ tại sao, chỉ biết họ trả lại”.

Báo Người đưa tin sẽ tiếp tục cập nhật vụ việc.

Tác giả bài viết: Đoàn Tân - Dương Trang

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP