Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết thương vong tại khu vực Tây Bắc Syria hiện do phe đối lập kiểm soát đã lên tới 4.300 người thiệt mạng và 7.600 người bị thương. Các địa phương có nhiều người thiệt mạng nhất là Harim, tiếp đó là Afrin và Jebel Saman.
Cộng với số nạn nhân tại khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát, tổng số người thiệt mạng tại quốc gia Trung Đông này đã lên tới hơn 5.714 người.
Số người thiệt mạng dự kiến sẽ còn tăng khi trọng tâm của công tác ứng phó chuyển từ giải cứu những người còn sống sót trong đống đổ nát sang cung cấp thực phẩm, nơi trú ẩn và chăm sóc cho những người bị ảnh hưởng.
Liên quan công tác cứu nạn, giới chức và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sau 178 giờ mắc kẹt, một bé gái tên Miray vừa được giải cứu khỏi đống đổ nát của một tòa chung cư tại thành phố Adiyaman, miền Nam nước này.
Kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết bé gái này 6 tuổi và lực lượng cứu hộ đang sắp tiếp cận được chị gái của bé. Trước đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Thổ Nhĩ Kỳ Adil Karaismailoglu cho biết gái này khoảng 4 tuổi.
Đánh giá về tổn thất kinh tế do thảm họa động đất vào ngày 6/2 vừa qua, Liên đoàn Doanh nghiệp và kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ ước tính nước này có thể thiệt hại tới 84,1 tỷ USD, trong khi chính phủ nhận định con số này vào khoảng hơn 50 tỷ USD.
Báo cáo do Liên đoàn Doanh nghiệp và kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ công bố vào cuối tuần qua cho thấy trong tổng thiệt hại 84,1 tỷ USD, có 70,8 tỷ USD là chi phí sửa chữa hàng nghìn tòa nhà, 10,4 tỷ USD là thất thu quốc gia và 2,9 tỷ USD là thiệt hại từ việc giảm ngày làm.
Chi phí lớn nhất sẽ là xây dựng lại nhà cửa, các đường truyền và hạ tầng, việc đáp ứng nhu cầu nơi ở trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho hàng trăm nghìn người mất nhà cửa.
Cảnh sát CNCH Việt Nam và lực lượng cứu hộ các nước tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ |
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Mahmoud Mohieldin nhận định hệ quả của động đất đối với GDP nhiều khả năng sẽ không nghiêm trọng như trận động đất hồi năm 1999 tại Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, trung tâm công nghiệp của đất nước.
Sau những ảnh hưởng ban đầu trong những tháng tới, đầu tư của khu vực công và tư nhân trong công tác tái thiết sẽ giúp GDP tăng lên. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng động đất có thể khiến tăng trưởng kinh tế nước này giảm 2% trong năm nay.
Trước khi động đất xảy ra, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ước tính tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2022 đạt 5% và 5,5% trong năm 2023. Sau thảm họa, Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh, trong khi ngân hàng trung ương đã cho phép hoãn thanh toán với một số khoản vay.
Ước tính có khoảng 13,4 triệu người dân sinh sống tại 10 tỉnh chịu ảnh hưởng của động đất, chiếm 15,4% dân số Thổ Nhĩ Kỳ, đóng góp khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho nước này.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn tất công tác xây dựng lại nhà cửa trong một năm và chính phủ đang chuẩn bị chương trình phục hồi đất nước.
Động đất tại Romania và Croatia
Ngày 13/2, Viện Vật lý Địa cầu Romania cho biết một trận động đất có độ lớn 5,2 đã làm rung chuyển khu vực gần thị trấn Drobeta-Turnu Severin, cách thủ đô Bucharest của nước này khoảng 300 km về phía Tây. Sau đó, Croatia cũng ghi nhận trận động đất có độ lớn 4,0 làm rung chuyển thị trấn Banja.
Theo truyền thông khu vực, thị trấn Drobeta-Turnu Severin của Romania nằm ở tả ngạn sông Danube, có dân số 105.000 người. Hiện chưa có thông tin về thương vong và thiệt hại. Trận động đất tại Romania xảy ra lúc 16h58 theo giờ địa phương và có thể được cảm nhận tại các thị trấn dọc sông Danube trên lãnh thổ Bulgaria và thủ đô Belgrade của Serbia. Viện Vật lý Địa cầu Romania nhận định tâm của trận động đất nằm ở độ sâu 8 km. Khoảng 20 phút sau, Romania tiếp tục ghi nhận trận động đất thứ hai với độ lớn 3,0.
Trung tâm địa chấn châu Âu-Địa Trung Hải sau đó cũng thông báo ghi nhận trận động đất có độ lớn 4,0 làm rung chuyển thị trấn Banja của Croatia vào khoảng 16h20 giờ địa phương.
Tác giả: P.V
Nguồn tin: congan.com.vn