Kinh tế

Hơn 30 triệu thẻ khóa hủy gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng

Nếu giả định chi phí phát hành một chiếc thẻ ATM là 50.000 đồng, số tiền lãng phí tối thiểu do thẻ bị khóa hủy có thể lên đến con số 1.500 tỷ đồng.

Theo thống kê của Hội Thẻ ngân hàng, đến hết năm 2017, toàn thị trường có khoảng 110 triệu thẻ ngân hàng, trong đó hơn 30 triệu thẻ ở tình trạng khóa hủy. Tuy nhiên, trong 77 triệu thẻ đang lưu hành cũng có một phần không nhỏ thẻ không hoạt động hay không phát sinh giao dịch trong thời gian dài.

Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng đều muốn mở rộng số lượng khách hàng và mở thẻ miễn phí. Các nhân viên được giao chỉ tiêu số thẻ phát hành mà không cần quan tâm thẻ có được sử dụng hay không.

Trao đổi với VOV, ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam thừa nhận, chất lượng phát triển thẻ chưa cao khi có tới hơn 30% số thẻ bị khóa hủy, chiếm tỷ lệ rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nếu giả định chi phí phát hành một chiếc thẻ ATM là 50.000 đồng, số tiền lãng phí tối thiểu lên đến con số 1.500 tỷ đồng.

Hiện toàn thị trường có hơn 30 triệu thẻ ngân hàng ở tình trạng khóa hủy, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: Thanh niên

"Không chỉ thẻ ATM, thẻ ghi nợ nội địa... vẫn được sử dụng để rút tiền mặt là chủ yếu, chức năng thanh toán phi tiếp xúc chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn. Vì thế, trong thời gian tới, các ngân hàng cần đưa hoạt động phát hành thẻ đi vào thực chất hơn, tức là thẻ phải có phát sinh giao dịch thực tế" - ông Đào Minh Tuấn nhấn mạnh.

Thông tin trên Tuổi trẻ, Trưởng phòng thẻ một ngân hàng lớn tại TP.HCM thừa nhận, nhiều ngân hàng chỉ chạy theo chỉ tiêu phát hành thẻ, tìm mọi cách chào mời khách hàng mở thẻ mà không quan tâm đến việc thẻ có được sử dụng hay không.

Nhiều ngân hàng tính toán chiến lược theo kiểu chịu lỗ trước để phát hành thẻ, rồi tìm cách khai thác dịch vụ khác như tài trợ thương mại với doanh nghiệp trả lương, hoặc cho vay với chủ thẻ... Nhưng thực tế không phải khi nào cũng thành công.

"Hội sở giao chỉ tiêu đến chi nhánh, chi nhánh lại giao chỉ tiêu về phòng giao dịch và nhân viên tìm mọi cách để phát hành thẻ càng nhiều càng tốt. Họ tận dụng mọi mối quan hệ, từ bạn bè, người quen, thậm chí rao lên mạng xã hội để kiếm người mở thẻ" - vị này nói.

Còn theo số liệu của Hội Thẻ Việt Nam, riêng năm 2017 có gần 15,6 triệu thẻ được phát hành mới, tương đương 20% số thẻ đang hoạt động thực tế trên thị trường.

Riêng 4 "ông lớn" là Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank phát hành từ 2,2 đến 2,3 triệu thẻ/ngân hàng trong năm qua, chưa kể Sacombank, Techcombank, VPBank, ACB, MB... cũng phát hành mới thêm vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu thẻ/ngân hàng.

Nếu tính riêng thẻ tín dụng, số lượng thẻ phát hành mới trong năm qua cũng rất "khủng". Chẳng hạn, trong năm qua Sacombank phát hành thêm hơn 112.000 thẻ tín dụng, VietinBank thêm gần 114.000 thẻ, Vietcombank hơn 105.000 thẻ tín dụng mới...

Tác giả: Vũ Đậu

Nguồn tin: Báo Đời Sống & Pháp Luật

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP