Giáo dục

Hơn 100 giáo viên có nguy cơ mất việc

Tỉnh Quảng Nam vừa thông báo kết quả kỳ thi tuyển viên chức tổ chức cuối tháng 2 vừa qua. Trong số gần 5.000 hồ sơ nộp về chỉ có 1.303 chỉ tiêu được tuyển. Sau đợt xét tuyển, 104 giáo viên hợp đồng theo tiết dạy trong các trường THPT ở Quảng Nam có nguy cơ mất việc. Sáng 3-5, nhiều giáo viên đã đến Sở GD-ĐT Quảng Nam để nêu ý kiến, bày tỏ tâm tư nguyện vọng được tiếp tục tạo điều kiện giảng dạy, trong đó có cả những thầy cô đã 20 năm cống hiến cho ngành giáo dục.

Trao đổi với phóng viên, các thầy cô giáo cho biết họ hết sức lo lắng trước nguy cơ mất việc làm. Mặc dù trước khi kỳ thi diễn ra các thầy cô đã nhiều lần ý kiến về quy chế thi nhưng vẫn không thay đổi được gì. “Là giáo viên hợp đồng nhưng chúng tôi vẫn cống hiến cho ngành giáo dục, giúp đỡ giảng dạy nhiều thế hệ học sinh. Bây giờ mất việc, chúng tôi thực sự lâm vào tình thế khó khăn”, nhiều thầy cô giáo chia sẻ.

Theo nội dung phản ánh, nhằm bổ sung nhân sự biên chế cho các trường THPT và Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT), ngày 25-3-2016, Sở GD-ĐT Quảng Nam có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam, báo cáo trường hợp của 110 giáo viên giảng dạy tại các trường theo hình thức hợp đồng trên 36 tháng (được trả lương theo tiết dạy) có cơ hội được xét tuyển “đặc cách” vào biên chế. Đến ngày 27-9-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản đồng ý cho Sở GD-ĐT tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục trên địa bàn bằng hình thức “xét tuyển cạnh tranh” (theo quy định của Chính phủ). Nội dung xét tuyển gồm xét kết quả học tập (điểm học tập và điểm tốt nghiệp) và kiểm tra sát hạch theo hình thức phỏng vấn năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí dự tuyển.

Các thầy cô giáo hợp đồng bày tỏ tâm tư nguyện vọng được tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục.

Cô giáo Mai Anh – giáo viên hợp đồng môn Địa lý phản ánh: “Cũng trong quy chế thi nếu thí sinh bằng điểm nhau thì ưu tiên người dự tuyển đã có thời gian giảng dạy từ 36 tháng trở lên (tính đến ngày 30-11-2015) tại các trường THPT, PTDTNT công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (người có thời gian hợp đồng nhiều ưu tiên trước). Như vậy, vô hình chung đã có sự phân biệt giữa giáo viên công lập và dân lập. Vả lại, phải thiếu chỉ tiêu hoặc bằng điểm mới có sự ưu tiên này, vậy thì khác nào không có ưu tiên”.

Là người có thâm niên 20 năm trên bục giảng, thầy Trần Hữu Try, giáo viên Trường THPT Thái Phiên (H. Thăng Bình, Quảng Nam) bày tỏ: Nếu trong đợt xét tuyển lần này để cho 110 giáo viên thi cạnh tranh với nhau thì sẽ không ai có ý kiến gì. Trước khi kỳ thi diễn ra, chúng tôi cũng đã ý kiến nhiều về quy chế nhưng không ăn thua. Phải cạnh tranh với gần 1.000 người thì tỷ lệ để giáo viên đậu là quá khó.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, việc hơn 100 giáo viên dù có cống hiến lâu năm trong ngành giáo dục nhưng vẫn có thể mất việc là bất khả kháng. Mặc dù rất thông cảm nhưng vì đây là quy chế đảm bảo tính công bằng cho toàn bộ kỳ thi và đối với các giáo viên trẻ. “Về những giáo viên này, trong quá trình công tác họ không có bảo hiểm xã hội nên đối chiếu quy định thì không thể áp dụng hình thức xét tuyển đặc cách nên chỉ tổ chức xét tuyển cạnh tranh. Tất cả những giáo viên này đều thỏa thuận giảng dạy với hiệu trưởng các trường nên không có sự ràng buộc gì về pháp luật. Về ưu tiên thì phần phỏng vấn tập trung các nội dung kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy và tình huống sư phạm. Các nội dung này thì những giáo viên có thâm niên đều có lợi thế hơn những thí sinh khác. Tuy nhiên, nhiều giáo viên có kết quả sát hạch tốt nhưng kết quả học tập và điểm tốt nghiệp thấp hơn nên không đậu trong đợt xét tuyển”, ông Quốc nói.

Trước tâm tư, nguyện vọng được tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục, ông Quốc cho biết sẽ tìm cách tạo điều kiện cho tất cả các giáo viên này được xét tuyển bổ sung dựa vào tình hình thực tế.

Tác giả: Đồng Dao

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP