Trong nước

Hỏi thẳng, trả lời gây thất vọng!

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà không dám hứa khi nào chấm dứt vi phạm xây dựng. Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa chưa hài lòng với câu trả lời của "tư lệnh" ngành xây dựng

Ngày 30-10, Quốc hội (QH) bước vào phiên chất vấn đầu tiên trong kỳ họp thứ 6 với hình thức mới. Thay vì chọn trưởng ngành đăng đàn, lần này, các đại biểu (ĐB) đặt câu hỏi thuộc ngành nào thì ngành đó trả lời.

Dân rất khổ vì thủy điện

Đứng đầu ngành luôn tồn tại nhiều vấn đề nóng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận được không ít câu hỏi chất vấn. ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đặt câu hỏi vì sao thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về Việt Nam đã giảm từ 30% xuống 0% nhưng thực chất giá xe không giảm, thậm chí còn cao hơn?

Không trả lời thẳng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay thuế nhập khẩu ôtô giảm vì Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do (AFTA) với nội dung cắt giảm thuế quan mạnh mẽ. "Song song với cắt giảm thuế quan là tăng cường nguồn thu thuế khác từ doanh nghiệp, từ các lĩnh vực sản xuất cũng như nguồn khác để bổ sung cho ngân sách" - ông Tuấn Anh lý giải việc tăng thuế trong nước để bù đắp giảm thuế từ AFTA.

Bộ trưởng đánh giá nhập khẩu ôtô từ ASEAN vào Việt Nam chưa tăng đột biến trong tổng thể chung nhập khoảng 200.000 chiếc hằng năm. "Chúng tôi cho rằng không có những vấn đề lớn đặt ra trong câu chuyện này" - Bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định.

Đại biểu Quốc hội TP HCM Trương Trọng Nghĩa chất vấn các thành viên Chính phủ. Ảnh: Ttxvn

ĐB tỉnh Phú Thọ nói bộ trưởng "chưa thực sự hiểu hết câu hỏi". Vấn đề cốt lõi là "cử tri nghĩ họ sẽ được thụ hưởng giá mua xe thấp hơn khoảng 30% nhưng thực tế thì ngược lại". Với chất vấn này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - ĐB Nguyễn Hữu Cầu nêu trên lưu vực sông Cả (tỉnh Nghệ An) có 20 nhà máy thủy điện, tức 1 km có 3 nhà máy; có 180 bản có thủy điện hoạt động nhưng dân không có điện thắp sáng. Ông đề xuất dừng 6 nhà máy đang quy hoạch xây dựng; giải đáp rõ vấn đề đền bù cho người dân bị thủy điện xả lũ gây thiệt hại…

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, 23 thủy điện nhỏ và vừa đã được đưa ra khỏi danh sách quy hoạch ở Nghệ An. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ cấp điện lưới quốc gia cho toàn bộ các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Về xả lũ, ông khẳng định "khó tránh khỏi" bởi những cơn lũ này "50 năm mới có một lần" và các đơn vị liên quan đã làm đúng quy trình.

Trước phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương, ĐB Cầu vẫn tâm tư: "Có những thời điểm xả lũ cao trình vượt mức đền bù đến 11 m mà đến 11 m thì thiệt hại vô cùng lớn, không gì đền được. Dân miền núi nói họ gắn bó với rừng, mất rừng thì rừng còn tái sinh được, còn xả lũ mất đất là mất vĩnh viễn. Dân rất khổ!".

Trong xây dựng có "lợi ích nhóm"?

Cho rằng các công trình xây dựng sai phép, không phép đang thách thức sự kiên nhẫn của cử tri, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: "Bộ trưởng có cam kết với QH sẽ không để xảy ra các vi phạm nêu trên không? Làm gì để giải quyết dứt điểm vi phạm của các chung cư như hiện nay?".

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trật tự xây dựng dần đi vào nền nếp khi bình quân từ năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2018, số vụ vi phạm giảm 13,2%, tương đương giảm hơn 1.000 vụ vi phạm. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, có hơn 10.800 công trình vi phạm không phép, sai phép và các vi phạm khác. Bộ trưởng cho rằng trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng thuộc về các cấp, ngành, chính quyền địa phương… chứ không riêng Bộ Xây dựng.

"Tôi không dám hứa và không dám cam kết về lộ trình cũng như thời điểm có thể chấm dứt hoạt động vi phạm trong xây dựng nhưng tôi hứa nỗ lực hết sức để cùng các bộ, các địa phương giải quyết tình trạng này" - ông nói.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà là "tư lệnh" ngành tiếp theo khiến ĐB thất vọng. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) thẳng thắn: "Chỉ cần vào mạng và Google, nội dung xây dựng trái phép sẽ thấy nổi lên rất nhiều dự án của Mường Thanh hay tòa nhà Lê Trực và gần đây nhất là công trình tại Sóc Sơn. Tất nhiên, người vi phạm phải chịu trách nhiệm và có trách nhiệm của sở, ngành địa phương. Nhưng với trách nhiệm quản lý ngành dọc, bộ trưởng đã làm gì? Có phản ánh với Thủ tướng khi phát hiện tình trạng địa phương quản lý lỏng lẻo chưa?".

Nhấn mạnh chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, ĐB Trương Trọng Nghĩa còn cho rằng qua hàng loạt vấn đề tồn tại gây mất niềm tin trong nhân dân, có thể đặt nghi vấn về nhóm lợi ích, về sự bao che.

Đưa 2 dự án ra khỏi 12 dự án thua lỗ

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, 2 dự án đã đạt tiêu chí để báo cáo QH đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ là DAP Hải Phòng và Thép Việt Trung. Hai dự án này đã khôi phục sản xuất, kinh doanh và bắt đầu có lãi. Các dự án Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Lào Cai đã giảm lỗ và đang được tiếp tục tái cơ cấu...

T.Dương

Tác giả: PHƯƠNG NHUNG

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP