Cụ thể, trong một tuần làm việc (từ 2 – 6/10, Hội nghị Trung ương 8 sẽ xem xét báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách 2018, kế hoạch và dự toán 2019; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển VN đến 2020; đề án về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương.
Theo chương trình nghị sự được xây dựng, Trung ương xem xét thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng; xem xét công tác nhân sự và các nội dung quan trọng khác.
Hội nghị TƯ 8 dự kiến diễn ra từ 2-6/10/2018 |
Nói về đề án quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão phân tích, xét về nguyên tắc có thể thấy, để trở thành ủy viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương là một quá trình phấn đấu, rèn luyện không ngừng của mỗi cán bộ, đảng viên. Niềm tin của người dân đối với Đảng thực chất là niềm tin vào những cá nhân, những chức danh cụ thể trong bộ máy của Đảng nên để giữ “thanh danh” cho Đảng, mỗi cá nhân không được phép ngừng phấn đấu và rèn luyện. Tiêu cực, sai phạm có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào, vì thế vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên hơn lúc nào hết lại càng trở nên vô cùng quan trọng.
Theo ông Mão, quy định lần này đưa ra không nên chỉ như một khuyến nghị mà phải được cụ thể hoá, bao gồm chế tài xử lý, thậm chí tới đây cần được luật hoá thì mới có hiệu quả. “Quy định này phải trở thành một công cụ để kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kiểm soát những người nắm nhiều quyền lực” - ông Mão nói.
Cũng theo ông Vũ Mão, các quy định hiện hành của pháp luật, các văn bản của Đảng về vấn đề này tuy đã có nhưng chưa đủ và thực hiện chưa nghiêm túc. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộng hành, lộng quyền, suy thoái nghiêm trọng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thời gian qua, không trừ một cấp nào.
Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng thì nhấn mạnh, quy định này được xây dựng trên nguyên lý “có xây, có chống” và “xây trước, chống sau”, điểm cốt lõi của dự thảo đề án là "Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu" nhấn mạnh trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
“Bộ Chính trị, Ban Bí thư có tầm quan trọng nhất định đối với Đảng. Có những vấn đề mới xảy ra thời gian qua khi có Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý, chứng tỏ không loại trừ bất cứ vị trí nào, bởi nơi nào cũng có thể xảy ra tiêu cực. Công tác cán bộ ở các cấp Trương ương, cấp tỉnh, cấp huyện, nhưng ở Hội nghị Trung ương 8 này đặc biệt nhấn mạnh vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng là để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII.
“Lựa chọn những người xứng đáng, giới thiệu vào Trung ương, Trung ương lại bầu vào các vị trí của Bộ Chính trị, Ban Bí thư”- ông Thưởng nói.
Về công tác nhân sự, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phân tích, Hội nghị Trung ương 8 diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa từ trần, bộ máy nhà nước đang bị thiếu một vị trí chủ chốt.
Dù các thông tin đưa ra chưa khẳng định các cơ quan chuẩn bị có trình ra Trung ương lần này phương án nhân sự thay thế vị trí Chủ tịch nước hay không nhưng ông Thưởng cũng nhấn mạnh, không nên để kéo dài thình trạng thiếu một vị trị chủ chốt ở cấp cao, mặc dù hiện tại Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đang thực hiện quyền Chủ tịch nước.
“Rất có thể Hội nghị lần này Trung ương sẽ bàn về nhân sự vị trí Chủ tịch nước. Có thể nhiều phương án sẽ được đưa ra”- ông Thưởng cho biết.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí