Giáo dục

Học sinh không nên quá lo lắng khi lần đầu thi trắc nghiệm Giáo dục công dân

Để làm bài tốt trắc nghiệm đối với môn thi Giáo dục công dân, học sinh không chỉ học thuộc lòng là đủ, mà cần phải biết đọc và hiểu, liên hệ vào thực tế.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan đối với các môn thi Toán, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Từ đề thi minh họa mà Bộ chủ quản đã công bố, thầy Lê Công Ký – Tổ trưởng bộ môn Giáo dục công dân, Trường trung học phổ thông chuyên Gia Định, TP.Hồ Chí Minh đã có những ‘mách nước’ đối với học sinh khi học, làm bài thi trắc nghiệm môn này.

Theo thầy Lê Công Ký cho biết, việc lần đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào hình thức thi trắc nghiệm khách quan sẽ làm cho cả thầy và trò đều ngỡ ngàng, vì tất cả đều rất mới. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề mà các học sinh không phải quá lo lắng.

Phương pháp thi như thế nào cũng có những lợi thế riêng. Giáo dục công dân là môn thi liên quan đến nhiều vấn đề của xã hội, nên khi thi trắc nghiệm thì kiến thức sẽ trải rộng và nhiều hơn, có thể có nhiều nội dung hơn được hỏi.

KyGDCNGiaDinh
Thầy Lê Công Ký trong một lần đứng lớp giảng dạy ở Trường chuyên Gia Định, quận Bình Thạnh (ảnh: P.L)

Việc đánh giá kết quả thi, sự hiểu biết về xã hội của học sinh sẽ rộng hơn, đạt được nhiều yêu cầu hơn là so với thi tự luận.

Đối với đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra, thầy Lê Công Ký đánh giá, đề thi chủ yếu sử dụng kiến thức của chương trình lớp 12, yêu cầu học sinh chủ yếu cần nhận biết và hiểu kiến thức, còn vận dụng chỉ có 5 câu hỏi là khá ít.

Muốn làm tốt một đề thi trắc nghiệm, học sinh cần có sự chuẩn bị tốt, ôn tập đồng bộ các bài học, biết liên hệ kiến thức vào thực tế, không cần thiết phải học thuộc lòng bài, mà phải học và hiểu.

Đối với các học sinh bám sát các trọng tâm chương trình trong sách giáo khoa, là có thể làm bài được 5 điểm.

Học sinh nên lên mạng để tìm hiểu về các đề thi mẫu, làm thử nhằm biết được mức độ dễ khó của đề thi ra sao.

“Các câu hỏi về kiến thức xã hội thường sẽ có sự trùng lắp, lặp đi lặp lại về mặt kiến thức, nên nếu tiếp xúc nhiều với câu hỏi này, thì sẽ dễ dàng tìm được đáp án chính xác hơn” – thầy Lê Công Ký nói tiếp.

Cũng theo thầy Ký, học sinh lớp 12 cũng nên tìm đọc giáo trình pháp luật đại cương (thường hay bán ở các trường Đại học, Cao đẳng) để đọc thêm, nắm bắt thêm.

Bởi lẽ, chương trình giáo dục công dân lớp 12 là sự cụ thể hơn của một số phần pháp luật đại cương này.

Khi làm bài thi, nếu nhìn vào các câu hỏi trắc nghiệm nào mà học sinh đọc qua 1 lần, cảm thấy có đáp án, làm được là phải làm ngay, nhằm không mất thời gian của những câu hỏi khác.

Với những câu hỏi nào mà đáp án còn phân vân, học sinh cần đầu tư nhiều thời gian hơn để suy nghĩ, làm cẩn thận.

Còn câu hỏi mà học sinh có thể chưa gặp bao giờ, cần sử dụng phương pháp loại suy (loại dần), nếu không chắc chắn một câu trả lời nào đúng, học sinh cần phải biết chọn câu nào mà mình cho rằng có thể là đúng nhất để đánh vào đáp án.

“Học sinh cần nhớ là không bao giờ bỏ bất cứ câu trả lời nào, để tránh bài thi có thể bị mất điểm” – thầy Lê Công Ký căn dặn.

Tác giả bài viết: Phương Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP