Kinh tế

Hoạt động hay không vẫn lỗ cả trăm tỷ, "sếp" nhà máy đạm Ninh Bình từng xin từ chức

Nhà máy đạm Ninh Bình - một trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ ngành công thương luôn trong tình trạng khó khăn, lao đao vì "đói" vốn. Dù hoạt động hay không vẫn báo lỗ, điều này tác động không nhỏ tới tâm lý cán bộ nhân viên nhà máy, đặc biệt là những người lãnh đạo.

Ông Vũ Văn Nhẫn - Tổng giám đốc công ty TNHH Đạm Ninh Bình (ngồi giữa) với gương mặt trầm tư


Chạy máy làm giảm lỗ gần 270 tỷ đồng so với "đắp chiếu"

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được khởi công vào năm 2008 với tổng mức đầu tư là 667 triệu USD. Dự án được thực hiện theo phương thức tổng thầu EPC là Tổng Công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu Trung Quốc (HQCEC).

Từ ngày 15/10/2012, Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình tiếp nhận, quản lý và vận hành nhà máy. Theo kế năm thứ 4 trở đi nhà máy sẽ có lãi. Tuy nhiên trên thực tế, tổng lỗ lũy kế từ khi nhà máy đi vào sản xuất năm 2012 đến ngày 31/12/2014 là 1.719 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch là 694 tỷ đồng.

Tính đến nay sau 4 năm hoạt động, nhà máy đạm Ninh Bình thua lỗ lên tới hơn 2.700 tỷ đồng. Máy móc nhà máy luôn trong tình trạng hư hỏng, hàng hóa tồn kho. Với mức lỗ lớn, hiệu quả hoạt động kém, nhà máy "lọt" danh sách 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành công thương.

Báo cáo tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương ngay ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán 2018, ông Vũ Văn Nhẫn - Tổng giám đốc công ty TNHH Đạm Ninh Bình cho biết tổng doanh thu tiêu thụ toàn nhà máy đạt 1.172 tỷ đồng năm 2017.

"Chạy máy làm giảm lỗ gần 270 tỷ đồng so với phương án ngừng máy", ông Nhẫn nói và cho biết lỗ cả năm 2017 là 933,5 tỷ đồng.

Theo đánh giá của lãnh đạo nhà máy, sản xuất mới bước đầu đi vào ổn định, tuy nhiên khó khăn lớn nhất để có thể vận hành một cách liên tục hiện nay vẫn là vấn đề về vốn.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Điến - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định những gì địa phương có thể hỗ trợ được nhà máy thì đều rất cố gắng. Tuy nhiên thực tế, nhà máy hết khó khăn này lại khó khăn khác.

"Chúng tôi rất thương anh Nhẫn (Vũ Văn Nhẫn - Tổng giám đốc nhà máy đạm Ninh). Mỗi lần anh gặp trình bày về nhà máy, nhìn anh Nhẫn rất khổ tâm. Bây giờ chúng ta phải vận động, hỗ trợ thế nào để nhà máy hoạt động còn hơn là nằm chết. Các đồng chí cứ nói bán nhà máy, nhưng bán phải có người mua", ông Điến nói.

Chủ tịch tỉnh Ninh Bình cho biết, nhà máy hiện đang giải quyết cho cả nghìn lao động của tỉnh. Tuy nhiên nếu cứ khó khăn quá, nhân sự mà đã rời đi thì họ không quay lại.

"Nhiều khi nhà máy khó khăn, có thời ký dù nhà máy dừng hoạt động vẫn phải trả lương để giữ nhân sự quan trọng. Khó khăn lại chồng chất khó khăn. Năm vừa rồi hoạt động những vẫn lỗ hơn 900 tỷ đồng. Anh Nhẫn mỗi lần gặp đều nhăn nhó", ông Điến chia sẻ.

Vị này cho rằng, ngân hàng cũng cần phải có những hỗ trợ nhất định vì doanh nghiệp có tồn tại thì mới trả được nợ. Về phía quản lý nhà nước cũng cần có những hỗ trợ, tạo điều kiện, cũng cần có vai trò nhất định trong việc "vực dậy" nhà máy.

"Đã có lúc chúng ta tính đến việc có tồn tại nữa hay không, hoặc cần có giải pháp nào đó. Để hoạt động, hay là muốn chuyển đổi", ông Điến nói. Theo ông Điến, quan điểm của nhà nước là không có "bà đỡ" đối với các dự án như thế này, nhưng nếu không "đỡ" thì hoạt động đến đâu, cái này cũng phải bàn.

"Anh Nhẫn ngồi ở đây những anh í không muốn làm lắm đâu. Lúc nào cũng như ngồi trên lò nung ấy", Chủ tịch Ninh Bình nói và cho biết rất mong nhà máy tiếp tục hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.

"Anh Nhẫn từng xin từ chức"

Đề cập đến những khó khăn của nhà máy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, than là nguyên liệu đầu vào chiếm tới 56-60% giá thành sản xuất đạm. Trong khi đó hiện nay giá thành đạm ngày càng xuống, giá than lại ngày càng lên khiến chi phí đầu vào cao, hiện giá thành khi vận hành từ than đến đạm chỉ lãi khoảng 400.000 - 500.000 đồng/tấn, chưa trừ các chi phí như lãi suất ngân hàng, nhân công.

Thứ hai theo ông Hải, nhà máy cần tiền để mua nguyên liệu đầu vào là than, hiện đang vay của TKV 133 tỷ đồng để vận hành đến khoảng hết tháng 3/2018. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo cần mua thêm 40.000 tấn than nữa, tương đương khoảng 80 tỷ đồng. Đã vay 133 tỷ đồng, giờ lại cần thêm 80 tỷ đồng. Nợ chồng nợ, không có vốn để mua nguyên liệu đang là vấn đề với đạm Ninh Bình. Trong khi đó, TKV họ cũng là doanh nghiệp.

Thứ ba, đạm Ninh Bình cũng khó khăn về vốn vay ngân hàng. Theo cơ chế vẫn phải trả qua ngân hàng. Cứ trả 10 đồng thì chỉ cho vay lại 9 đồng, thu lại 10%. "Vốn cứ như vậy mà cụt dần. Lãnh đạo nhà máy đang đề nghị vay thêm để đại tu nhà máy, có vốn lưu động để sản xuất", ông Hải nói.

Thứ trưởng Hải cho biết, Bộ Công Thương cùng lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất thường xuyên động viên "anh em" nhà máy phải hết sức cố gắng, những đồng thời cũng phải xem lại tất cả các quy trình. Vì không chỉ có nguyên nhân khách quan, mà còn có nguyên nhân chủ quan nữa.

"Ban lãnh đạo Nhà máy cần phải vận hành thật tốt, tránh để xảy ra những sự cố đáng tiếc như trên bởi cứ dừng một lần là nhà máy ít nhất thiệt hại 8-10 tỷ đồng", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Hải cũng cho biết, thời gian vừa qua nhận thấy sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cán bộ nhân viên nhà máy. "Có thời ký khó khăn, đồng chí Nhẫn đã từng xin nghỉ nhưng cố gắng động viên động chí lại quay lại làm và rồi có những kết quả bước đầu tích cực như hiện nay", ông Hải chia sẻ.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP