Sáng nay (27/8), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức Hội nghị ứng phó với bão số 7 và mưa lũ sau bão. Hội nghị do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thôn tin về diễn biến cơn bão số 7. |
Tại hội nghị, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, 8h sáng nay, vị trí tâm bão số 7 đang ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.
"Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km, như vậy trưa nay bão sẽ đi vào đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) sau đó suy yếu dần. Đến 19h ngày 27/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,7 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10" - ông Cường thông tin.
Cũng theo ông Cường, do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông ngày hôm nay (27/8) còn có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Trong 12 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.
"Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 7, sau đó hình thành một rãnh áp thấp qua Bắc Bộ nên từ gần sáng ngày 28/8 đến hết ngày 31/8 ở Bắc Bộ có mưa diện rộng; khu vực Tây Bắc và Việt Bắc mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm). Khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ từ ngày 29-31/8 có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to" - ông Cường thông tin tiếp.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 16h ngày 26/8, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 70.000 phương tiện trên tổng số 330.677 lao động về diễn biến, hướng di chuyển của bão số 7 để chủ động phòng, tránh.
Dự báo quỹ đạo bão của bão số 7 của các trung tâm dự báo quốc tế. |
Theo Đại tá Lê Thanh Sơn, Phó Phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng, đến sáng nay (27/8), không còn tàu, thuyền nào hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão số 7.
Nói về công tác thông tin mưa bão đến với người dân, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, các nhà mạng đã nhắn tin cảnh báo miễn phí đến hơn 1,5 triệu người dân nằm trong vùng ảnh hưởng của mưa bão.
Theo đại diện Bộ TT&TT, nếu cơ quan dự báo có thể cho thông tin chính xác đến từng huyện nào có thể sắp mưa lớn, thì các nhà mạng sẽ nhắn tin đến người dân huyện đó, như vậy sẽ hiệu quả và sát thực tế hơn.
"Các nhà mạng đã chủ động nhắn tin cảnh báo cho người dân và hoàn toàn miễn phí. Nhưng thời gian tới rất mong chúng ta có cơ chế nào đó để hỗ trợ một phần kinh phí cho các nhà mạng"- đại diện Bộ TT&TT cho biết.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Mặc dù bão số 7 không vào nước ta, nhưng đã được cảnh báo do hoàn lưu cơn bão này có thể sẽ gây mưa diện rộng ở Bắc Bộ từ ngày mai cho đến 31/8, nhất là 14 tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, khu vực miền núi phía Bắc vừa hứng chịu trận mưa lũ lịch sử từ ngày 2-3/8, lại chịu ảnh hưởng của đợt mưa lớn do hoàn lưu bão số 6 vừa qua nên địa chất khu vực này đang rất yếu và dễ bị sạt lở đất, lũ quét khi xuất hiện mưa tiếp theo do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 7.
Từ phân tích trên, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh: Trung tâm dự báo cần liên tục thông tin về cơn bão số 7 và tình hình mưa lũ tại khu vực trên; Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT theo dõi thường xuyên, đôn đốc các địa phương không được chủ quan, luôn sẵn sàng để ứng phó khi có tình huống khẩn cấp; Các địa phương được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng cần có biện pháp di dời dân khỏi vùng nguy hiểm; Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần theo dõi sát sao các hồ chứa thủy lợi và các hồ thủy điện, đảm bảo an toàn tuyệt đối...
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu 3 kiến nghị với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Mong muốn Chính phủ đồng ý cho tổ chức Hội thảo về tai biến địa chất, nội dung này hiện nay đã bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp cần được bàn bạc và xử lý; Chính phủ cần có cơ chế nhất định để phát triển thêm mạng lưới quan trắc, vì hiện nay đang rất mỏng. Có thể phát triển mạng lưới quan trắc theo hình thức xã hội hóa, còn nhà nước chỉ hỗ trợ một phần; Vấn đề tái định cư, tìm chỗ ở mới cho người dân vùng lũ, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai là rất phức tạp, cần được Chính phủ quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị: Mặc dù bão số 7 được dự báo là không vào nước ta, nhưng sẽ gây mưa diện rộng ở Bắc Bộ, do đó, các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan mà cần tập trung ở mức cao nhất để đề phòng, ứng phó.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung ở mức cao nhất để đề phòng, ứng phó với mưa lũ sau bão số 7. |
Các địa phương vừa chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ cần khẩn trương khắc phục, ổn định đời sống cho nhân dân. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương cần kiên quyết di dời những nhà dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn hơn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo trung tâm dự báo thường xuyên đưa tin về diễn biến cơn bão số 7 và tình hình mưa lũ sau bão. Bộ NN&PTNT ngoài việc chỉ đạo các địa phương đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, cũng cần đặc biệt lưu ý vấn đề bảo vệ tài sản nông nghiệp như lúa, hoa màu...ở khu vực được dự báo là sẽ xuất hiện mưa lũ...
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí