Cả năm trông chờ vào vụ hoa Tết, bán kém, lãi ít đã rầu lắm rồi, lên mạng đọc báo, đọc bình luận thấy nhiều người nặng lời mắng mỏ, lại thấy buồn lòng hơn. Nếu các bạn một lần ở vào vị trí người buôn bán hoa thì chắc sẽ hiểu tại sao chúng tôi lại phải đập bỏ những chậu hoa còn tươi đẹp vào những chiều 30 Tết.
Càng đến gần ngày Tết thì hoa càng giảm giá, điều đương nhiên đó người làm kinh doanh chúng tôi biết chứ. Vì thế nên những ngày đầu, giá cả sẽ cao hơn rất nhiều. Bù lại, khách hàng được chơi hoa sớm hơn đa số người dân khác, được chọn những chậu hoa đẹp nhất. Đó là giá trị của sự sang chảnh, đẳng cấp mà nhiều người sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để có được. Đây cũng là lúc chúng tôi tranh thủ thu lợi nhuận để “bảo hiểm” cho số hàng tồn ngày cuối.
Đến 29, 30 Tết, sức ép của thời hạn tiêu thụ buộc chúng tôi phải giảm giá, cố gắng bán được nhiều nhất có thể để thu hồi vốn và kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy. Năm nào tính toán không đúng về sức mua, lượng hàng tồn lớn, lãi chẳng đáng kể, thậm chí có năm thu được vốn đã là may, thậm chí lỗ. Năm nào 30 Tết vẫn ế nhiều thì đương nhiên là đại hạ giá, có khi chỉ còn 1/10 giá ban đầu, thậm chí ít hơn.
Tiểu thương đập bỏ hoa khi không bán hết. (Ảnh: Phạm Hữu) |
Vậy tại sao chúng tôi phải đập bỏ hay cắt nát hoa, hành động mà nhiều người chỉ trích là hủy hoại tài sản? Có 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, hoa bị đập hay phá bỏ là loại chỉ chơi trong thời gian ngắn, chờ đến dịp khác mới bán thì chúng cũng đã úa tàn.
Thứ hai, chúng tôi nhập về bán chứ không trồng hoa, nếu mang về thì để vào đâu, ai chăm sóc cho? Lại còn chi phí vận chuyển số hoa ế ấy nữa, làm kinh doanh sao có thể ngớ ngẩn trả mấy triệu đồng thuê ô tô chở rác về nhà?
Thứ ba, đập bỏ những chậu hoa, cành hoa không bán được chính là cách chúng tôi bảo vệ đường làm ăn của mình. Rất nhiều người mua hàng thiếu lòng trắc ẩn, dù biết giá 300 nghìn đồng một chậu hoa đã hợp lý lắm rồi nhưng vẫn cố tình chờ đến chiều 30 Tết mới ra ép giá còn 50 nghìn.
“Giờ này còn làm cao không bán đi thì để vứt rác à? 50 nghìn không phải là tiền à?” – đó là câu nói chúng tôi phải nghe rất nhiều từ khách hàng vào trưa, chiều 30 Tết. Nhiều người thậm chí còn trắng trợn xin, không trả tiền vì “đằng nào cũng không bán được, cho mới đỡ phí”.
Nếu khách nào cũng khôn lỏi như họ, gia đình những người bán hoa như chúng tôi chắc phải húp cháo loãng cầm hơi. Phá hủy những cây hoa mà mình nâng niu giữ gìn bao ngày qua, chúng tôi cũng xót chứ. Nhưng chúng tôi cần xóa đi cái ý nghĩ lợi dụng khó khăn của người khác để kiếm lợi đó, không cho nó lan rộng ra cộng đồng. Một khi ai cũng biết có cách để không mất tiền vẫn có hoa trưng Tết hoặc chỉ bỏ ra vài chục nghìn đồng là mang về được chậu hoa giá trị gần triệu bạc thì dân buôn hoa Tết chỉ có nước bỏ nghề.
Tại sao lại mắng mỏ, lên án chúng tôi? Tiền ở trong túi các bạn, có mua hoa hay không, mua vào lúc nào, là do các bạn quyết định. Các bạn đợi đến 30 Tết mới ra mua hoa để mặc cả cho thật rẻ, chúng tôi vẫn phải cắn răng bán đấy thôi. Tương tự, hoa là của chúng tôi, đập bỏ hay giữ là quyền của chúng tôi, sao lại bảo là vô văn hóa hay vi phạm pháp luật và đòi phạt?
Các thương hiệu thời trang xa xỉ như Louis Vuitton, Burberry thường cắt nát, đốt hủy những sản phẩm tồn kho lâu ngày và công chúng khen ngợi đây là cách thông minh để duy trì sự khan hiếm hàng hóa, để họ có thể bán một chiếc túi giá hàng trăm triệu đồng mà khách hàng vẫn đua nhau mua. Vậy tại sao lại chỉ trích những người buôn hoa hủy hàng để tránh bị ép giá?
Đến chiều 30 Tết, nhất là vào năm ế hàng như năm nay, bản thân tôi cũng muốn thu về được đồng nào hay đồng nấy, nhưng nếu bán rẻ mạt quá mức thì chẳng khác nào chặn đường làm ăn của mình những năm sau.
Xin hãy hiểu cho tình thế bắt buộc của những người buôn hoa!
Tác giả: LÊ TUẤN
Nguồn tin: vtc.vn