Theo đánh giá của ông thì bóng đá Việt Nam trong thời gian qua như thế nào, khởi sắc hay không khởi sắc?
Đầu tiên, nói công bằng, nhiều đội bóng trẻ của ta khởi sắc, đạt nhiều thành tích mà ngay chúng ta cũng ít ngờ tới, vượt ra khỏi tầm khu vực, vươn ra châu Á, thậm chí vào VCK thế giới (đội tuyển U20 Việt Nam). Tuy nhiên, thành tích đấy chủ yếu đến từ nỗ lực của các lò đào tạo trẻ, hơn là đến từ định hướng xuyên suốt của người làm công tác quản lý.
Các đội tuyển được trẻ hoá, nhiều cầu thủ trẻ có khả năng góp mặt ở đội tuyển quốc gia cũng là một tín hiệu tích cực. Nhưng bộ mặt của toàn bộ nền bóng đá là đội tuyển quốc gia, khách quan mà nói, chưa tốt.
Vậy sự khởi sắc mà ông nói của bóng đá Việt Nam có xứng với tiềm năng hay chưa?
Hoàn toàn chưa! Nước ta có gần 100 triệu dân, người mê bóng đá rất nhiều, người tâm huyết với bóng đá không ít. Bóng đá phong trào ở ta rộng khắp, bóng đá học đường cũng có tín hiệu tích cực, các giải bóng đá trẻ nhiều người theo dõi, nhưng lên đến chuyên nghiệp thì kém.
Cựu HLV Lê Thuỵ Hải: Bóng đá Việt Nam thiếu định hướng xuyên suốt! |
Tức là chúng ta xây dựng bóng đá chuyên nghiệp không tốt. Ví dụ như vấn đề được nêu trong Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra hôm 19/12, đội vô địch V-League lại không được dự AFC Champions League, vì không đủ tiêu chuẩn. Tức là chúng ta không làm theo thông lệ quốc tế. Nếu ngay từ đầu các nhà quản lý siết chặt quy định dành cho các CLB, thì làm gì có chuyện đó!
Nếu bóng đá Việt Nam chưa phát triển đúng với tiềm năng là do chúng ta thiếu những gì, thưa ông?
Công tác khoa học kỹ thuật trong bóng đá chưa được chú trọng, điển hình là công tác dinh dưỡng và đội ngũ y tế chuyên sâu thiếu. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Rồi đặc biệt, nhiều doanh nghiệp làm bóng đá chỉ vì đánh bóng thương hiệu, vì những mục đích ngoài bóng đá, chứ không phải vì bóng đá. Ngoài ra, theo tôi, bộ máy quản lý bóng đá hiện thiếu quá nhiều người có nghề, có chuyên môn.
Riêng về hệ thống thi đấu các giải quốc nội của bóng đá Việt Nam hiện ra sao?
Đây là vấn đề cũng được nêu ra trong Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, rằng V-League có quá nhiều đội, còn hạng Nhất lại có quá ít đội. Mà đã là mô hình tháp ngược thì không thể phát triển được.
Cũng liên quan đến các giải quốc nội, trọng tài của chúng ta quá nhiều sai sót. Tôi công nhận trên thế giới trọng tài cũng sai sót, nhưng bóng đá Việt Nam thì mật độ sai đặc biệt dày đặc. Chất lượng chuyên môn tỷ lệ nghịch với bạo lực sân cỏ. Trên thế giới, cầu thủ cũng đá gãy chân nhau, nhưng họ không ác ý, mà là va chạm, còn bóng đá Việt Nam bạo lực đến từ sự ác ý. Rồi chuyện một ông chủ có 3 – 4 đội bóng. Đấy là không đúng đắn, không lành mạnh và không hợp lý. Đơn giản, chuyện này lẽ ra không được phép.
HLV Lê Thụy Hải đánh giá bóng đá Việt Nam chỉ thành công ở đội trẻ |
Còn về mặt định hướng của bóng đá Việt Nam thì sao?
Không ít người quản lý bóng đá chủ yếu chỉ giải quyết sự vụ, đối phó với dư luận, chạy theo thành tích nhất thời. Theo tôi, những nhà quản lý bóng đá Việt Nam thiếu chiến lược và không có định hướng xuyên suốt. Ví dụ Thái Lan đặt ra mục tiêu đến năm nào, năm nào họ sẽ có thành tích gì, rồi lộ trình từ lúc đặt kế hoạch cho đến kết thúc mục tiêu họ sẽ làm gì trong từng giai đoạn để có thành tích đấy.
Bóng đá Việt Nam lâu nay không được như vậy, không có chiến lược rõ ràng. Thiếu luôn định hướng trong từng giai đoạn chúng ta sẽ làm gì? Giai đoạn nào cải thiện điều kiện sân bãi, điều kiện tập luyện? Các đội tuyển trẻ sẽ kế thừa đội tuyển quốc gia ra sao? Theo những giai đoạn nào?
Ngay cả định hướng lối chơi cho đội tuyển quốc gia cũng không rõ ràng. Cứ sau khoảng hơn 1 năm lại thay 1 đời HLV thì làm sao có sự ổn định?! Vấn đề lúc này theo tôi là thay đổi tư duy làm bóng đá, mà muốn thay đổi tư duy thì phải thay đổi con người!
Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Trọng Vũ
Nguồn tin: Báo Dân trí