Cụ thể, về nguyên tắc, mỗi GV chỉ được vay tiền một ngân hàng, có xác nhận của hiệu trưởng. Thế nhưng, ông Thắng lại ký cho nhiều người vay vốn của nhiều ngân hàng cùng một lúc.
Ông Thắng lấy một phần nhà xe của GV, học sinh cho 6 hộ dân ở bên ngoài vào thuê bán căn tin trong trường học, khiến cho sân trường trở thành cái chợ; tiền cho thuê không nộp vào kho bạc Nhà nước theo quy định.
Trong xét thi đua cuối năm học, ông Thắng thực hiện dễ dãi, không đúng quy định. Có GV hết năm học, chuẩn bị sang năm học mới chưa hoàn thành hồ sơ sổ sách nhưng vẫn được xét danh hiệu thi đua Lao động tiên tiến, đề nghị công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Ngoài ra, ông Thắng có sai phạm trong thực hiện xã hội hóa giáo dục, vận động phụ huynh đóng góp chưa đúng quy định. Ông Thắng còn tổ chức dạy thêm trong nhà trường vào dịp hè không đúng quy định.
Trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), nơi Hiệu trưởng có sai phạm nhưng lại kỷ luật người tố cáo là giáo viên.
Sau khi nhận đơn tố cáo của ông H.T.T., Phòng GD-ĐT huyện Trần Đề đã tổ chức thanh tra. Ngày 24/9/2015, Thanh tra kết luận, ông Thắng có sai. Tuy nhiên, Thanh tra không đả động gì tới trách nhiệm của ông hiệu trưởng, còn người tố cáo là nhà giáo H.T.T. thì bị yêu cầu viết bản kiểm điểm. Kết luận này bị ông H.T.T. khiếu nại vì chỉ dựa vào giải trình của người bị tố cáo, có sự “bao che cho sai phạm của hiệu trưởng”.
Sau đó, ngày 24/10/2015, Phòng GD-ĐT huyện Trần Đề có quyết định thu hồi Kết luận thanh tra ngày 24/9/2015, ban hành kết luận thanh tra khác. Kết luận này thừa nhận những nội dung ông H.T.T. tố cáo nói trên là đúng. Kết quả, ông H.T.T. bị Hội đồng kỷ luật nhà trường họp đề nghị kỷ luật với hình thức kiểm điểm; còn hiệu trưởng Huỳnh Hà Thắng vô can.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Hà Thắng thừa nhận: “Tôi thừa nhận mình có sai phạm với những nội dung mà thầy T. cung cấp cho nhà báo, nhưng đó là lỗi do chủ quan, chưa hiểu hết các quy định”.
Tác giả bài viết: Bạch Dương