Kinh tế

Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị điều chỉnh giá điện

Cơ quan này cho rằng, việc phát điện trong nhà máy đường có tính chất đặc thù riêng, nếu với mục đích phát điện đủ cung cấp cho sản xuất, tiêu dùng nội bộ thì chi phí thấp do vậy cần điều chỉnh theo một mức giá thống nhất.

Trong văn bản mới đây gửi Chính phủ, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đề nghị xem xét điều chỉnh lại giá điện đồng phát từ bã mía của các nhà máy đường đầu tư đấu nối lưới điện theo một giá thống nhất là giá điện sinh khối mà không phân thành hai loại giá như hiện nay.

Điều này, theo VSSA, sẽ giúp khuyến khích các nhà máy đường đầu tư phát điện nối lưới, sử dụng hết nguồn nguyên nhiên liệu sinh khối bã mía, cũng như nông phụ phẩm ở các địa phương.

Theo VSSA, mía đường nước ta là một ngành có tiềm năng, triển vọng tạo nguồn sinh khối lớn. Nếu có chính sách khuyến khích và đầu tư phù hợp thì 1 tấn mía cây có 0,3 tấn bã mía có thể sản xuất được khoảng 100 – 120 KWh, sau khi trừ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ có thể phát lên điện lưới khoảng 60 – 70 kWh.

Hiện nay, cả nước có khoảng 300.000 ha mía, 40 nhà máy đường. Niên vụ sản xuất 2016-2017 đã có 8 nhà máy phát điện nối lưới như Lam Sơn, Nghệ An, KCP Phú Yên, Khánh Hoà, TTC Gia Lai, BHS Ninh Hoà, TTC- Tây Ninh, Sóc Trăng. Tổng công suất lắp đặt của các nhà máy đường vụ 2016-2017 là 335 MW, công suất phát điện nối lưới của 8 nhà máy đường là 98,9MW; Điện năng phát điện nối lưới là 189 triệu kWh.

Theo quy hoạch tổng thể ngành mía đường Việt Nam đến năm 2020, sẽ có khoảng 20 triệu tấn mía và năm 2030 có khoảng 24 triệu tấn mía, có thể sản xuất ra được 2,4 triệu MWh tương ứng tổng công suất phát 840 MW (năm 2020) và 2,8 triệu MWh tương ứng tổng công suất phát 970 MW (năm 2030).

VSSA cho rằng, việc phát điện trong nhà máy đường có tính đặc thù riêng. Nếu với mục đích phát điện đủ cung cấp cho sản xuất và tiêu dùng nội bộ thì chi phí thấp (như truyền thống). Tuy nhiên, nếu với mục đích phát điện nối lưới thì phải đầu tư hệ thống thiết bị nhiệt điện cao cấp, thiết bị công nghệ đường tiết kiệm năng lượng, sẽ khiến chi phí đầu tư cao.

Có như vậy mới không lãng phí và tận dụng được tối đa nguồn năng lượng sinh khối bã mía sẵn có, cũng như nguồn nguyên liệu nông sản phụ phẩm (rơm rạ, lâm sản,…) trên địa bàn để phát điện liên tục trong năm, không chỉ dừng lại ở thời vụ ép mía.

Theo báo cáo của các nhà máy đường đã đầu tư và đang đầu tư đấu nối điện thì giá thành sản xuất khoảng 1.600-1.800 đồng/kWh (tương đươg khoảng 7,3-8,1 UScents/kWh) chưa có thuế GTGT. Tham khảo giá điện đồng phát của các nhà máy đường Thái Lan được Bộ Năng lượng Thái lan đưa ra biểu giá là 4,53 bath/kWh (tương đương 13 UScents/kWh).

Trong khi đó, tại Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 942/QĐ-BCT, Thông tư số 44/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định giá điện thành 2 loại.

Cụ thể, giá điện đồng phát lưới điện các nhà máy đường là 5,8 UScents/kWh và biểu giá chi phí tránh được cho điện sinh khối (có điện bã mía độc lập không trích hơi cho nhà máy đường) với giá ở khu vực miền Bắc 1.644 đồng/kWh (7,551 UScents/kWh), miền Trung 1.642đồng/kWh (7,3458 UScents/kWh), miền Nam 1.673 đồng/KWh (7,44486 UScents/kWh) (chưa có thuế VAT).

Quy định giá này, theo Hiệp hội, đã không thực sự khuyến khích, tạo động lực cho các nhà máy nhiệt điện bã mía hiện có và các nhà máy đang có dự kiến đầu tư điện đồng phát từ bã mía, chưa phù hợp với thực tế tổ chức sản xuất của ngành mía đường cũng như nông sản trong nông nghiệp.

Do đó, việc điều chỉnh lại giá điện đồng phát theo hướng thống nhất giá điện sinh khối mà không phân thành hai loại giá như hiện nay sẽ là một giải pháp tốt cho ngành này.

VSSA cho biết, cuối năm 2016, Hiệp hội từng có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh giá bán điện theo hướng kể trên. Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua, đến nay, Hiệp hội vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Tác giả: H. Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP