Ảnh minh họa từ internet. |
Những động thái đó cùng với việc quy định đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để các con mình vi phạm pháp luật là tín hiệu cho thấy cái thời “quan hệ, hậu duệ” trong công tác tổ chức cán bộ chỉ còn vang bóng, để lại dư âm buồn của một giai đoạn thực hành kỷ cương, phép nước không nghiêm, bị chi phối bởi sự thiếu quang minh chính đại.
Xây dựng chế độ mới, chúng ta chủ trương xóa bỏ tàn tích lạc hậu của xã hội phong kiến nhưng thực tế lại xảy ra những chuyện làm sống lại những tàn tích đó một cách sinh động hơn, nhiều vẻ hơn và chế độ “tập ấm” chỉ là một ví dụ. Quan niệm “cha truyền, con nối” khá thịnh hành dẫn đến việc coi bố làm lãnh đạo rồi con cũng làm lãnh đạo là “hồng phúc của đất nước”.
Là hồng phúc thật sự nếu như những người con đó xứng đáng, tài năng và phẩm chất hơn người, được giáo dục và rèn luyện trong một môi trường nghiêm túc, được thử thách trong cuộc sống và thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của mình.
Thế nhưng, rất ít trường hợp được như vậy, con đường tiến thân quá dễ dàng do được nâng đỡ, ưu ái khiến cho chiếc ghế ngồi quá cao, cái áo quá rộng đối với các “cậu ấm” và cái cương vị mà họ nắm giữ trở nên chông chênh khi không còn người “chống lưng”, che chở. Cái tàn tích phong kiến ấy được khoác một mỹ từ hiện đại, sơn phết một thứ đạo lý hào nhoáng là phát huy và giữ gìn “truyền thống gia đình” đã khiến người ta an tâm để tại vị, để không phải hy sinh đời bố mà vẫn củng cố được đời con.
Giờ đây, khi mà các trường hợp “cả họ làm quan” ở địa phương gây bức xúc trong dư luận xã hội bị phát hiện và xử lý thì đó là cách tốt nhất để ngăn ngừa việc chiếm chỗ của những người xứng đáng khiến nhân sỹ ngoảnh mặt, nhân dân chán nản, nhân tài ra đi. Hiện tượng này không chỉ gây nên sự bất công xã hội mà còn là suy yếu chế độ khi người dân không thiết tha gì với chính sự nữa.
Mới đây, một Phó bí thư thành ủy ở Quảng Bình phải điều chuyển công tác do để vợ con thăng tiến quá nhanh và đáng ngờ. Đó chính là tín hiệu của sự kịp thời và chuyển động mới trong công tác tổ chức cán bộ. Sắp tới, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ “với tay” đến tận cấp huyện, đó như là một sự cảnh báo trước đối với những trường hợp “cả họ làm quan” vì muốn “đóng góp xây dựng quê hương” hoặc các “cậu ấm, cô chiêu” chưa đứng lớp một ngày nào đã là Phó phòng Giáo dục, chưa qua công chức đã thành lãnh đạo!
Những chuyển động tích cực trong đời sống chính trị - xã hội gần đây cho thấy kỷ luật, kỷ cương đang được siết chặt và thiết lập trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, tổ chức cán bộ, xây dựng đội ngũ, phòng và chống tham nhũng,... là những tín hiệu đáng mừng trong công cuộc chấn hưng đất nước, phồn vinh xã hội.
Tác giả: Khánh An
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam