Khu vực "nóng" nhất là đoạn sông Gianh giáp ranh các xã: Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa), Phù Hóa và Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch), Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn), nên khi "có động", các đối tượng khai thác cát trái phép dễ dàng di chuyển nhanh chóng tàu thuyền từ địa phương này sang địa phương khác.
Tại khu vực nhạy cảm này, ngày 26-2-2020, UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định phê duyệt chủ trương cho Công ty TNHH Tùng Cát (Công ty Tùng Cát) đầu tư dự án bãi tập kết vật liệu, xe, máy. UBND huyện Tuyên Hóa ngày 19-1-2021 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án này. Ngày 24-3-2022, UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tùng Cát, với diện tích trên 2.200 m2.
Sẽ không có gì để nói nếu địa điểm cho thuê đất không nằm ở khu vực "nóng" nhất này, cụ thể là thôn Xuân Hạ, xã Văn Hóa - nơi sâu nhất để tiêu lũ của toàn bộ diện tích sản xuất và các khu dân cư hàng ngàn hộ dân nên nhà nước phải xây dựng một cống lớn nhằm điều tiết, tiêu nước lũ, ngăn mặn, giữ ngọt. Khi lấy đất cho thuê, tỉnh đã thu hồi luôn 160 m2 đất giao thông, bịt luôn phần đầu đường dẫn ra vận hành cống. Dự án còn xây bao toàn bộ diện tích bằng tường kiên cố, trở thành vật chắn tiêu lũ.
Hệ thống vòi bơm của Công ty Tùng Cát trước (ảnh 1) và sau ngày 14-3 Ảnh: LỆ SƠN |
Đặc biệt, hoạt động khai thác cát trái phép ở đoạn sông này sôi động hẳn từ khi dự án được triển khai. Không chỉ tàu thuyền nhỏ lẻ mà có cả tàu hút cát công suất lớn được các đối tượng thuê từ Hải Phòng vào hoạt động suốt đêm, vươn vòi hút ra rất xa và lực lượng tàu thuyền nhỏ làm vệ tinh. Xe ben quá tải liên tục vận chuyển cát trên đường bê-tông ĐT 559 mới được nhà nước đầu tư.
Cát ở đâu để Công ty Tùng Cát tập kết về đây với danh nghĩa tập kết vật liệu? Nhiều người dân đã cùng nhau mật phục tìm bằng chứng cho việc không hề có cát ở nơi khác tập kết về mà là từ sông đưa lên, bất chấp có một chốt canh gần đó được chính quyền lập ra để theo dõi khai thác cát trái phép (!?).
Trong văn bản ký ngày 19-6-2023, trả lời phản ánh của ông Nguyễn Đức Ái (ngụ thôn Xuân Hạ), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình thừa nhận "phản ánh của dân về việc bơm cát lậu hằng đêm dưới lòng sông Gianh đoạn qua thôn Xuân Hạ là có cơ sở" nhưng khẳng định "việc tập kết cát đã được các cơ quan chức năng xử lý chấm dứt từ ngày 29-3-2023".
Thực tế thì khác, ngay khi đi thực tế để tìm tư liệu cho bài viết "Sông Gianh đang bị rút ruột" đăng trên Báo Người Lao Động ngày 14-3, phóng viên vẫn thấy ở đây cát chất như núi, rất nhiều ống hút từ các núi cát này cắm thẳng xuống sông.
Ngay trong chiều 14-3, các núi cát trên đã được chuyển đi rất nhanh, các vòi hút được thu hồi chỉ còn một ống. Toàn bộ tàu thuyền hút cát cũng biến mất một cách kỳ lạ. Trước đó, tháng 4-2023, tại bãi cát này, lực lượng quản lý thị trường phát hiện hơn 500 m3 cát không có hóa đơn, chứng từ.
Như vậy, dù việc cấp phép cho triển khai dự án của Công ty Tùng Cát là đúng pháp luật thì nhiều dấu hiệu cho thấy đây là một mắt xích quan trọng khi muốn giải quyết thấu đáo tình trạng khai thác cát trái phép.
Tác giả: Lương Duy Cường
Nguồn tin: Báo Người Lao động