Từ câu chuyện ám ảnh đó, nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực trẻ em tha thiết nhắn nhủ phụ huynh hãy nghiêm túc quan tâm đến việc bảo vệ con trẻ khỏi nạn xâm hại tình dục. Đồng thời truyền tải thông điệp xâm hại tình dục là một tội ác không thể dung thứ.
Bộ phim của Hàn Quốc nói về cô bé 8 tuổi bị xâm hại tình dục gây ám ảnh cho người xem (Ảnh cắt ra từ clip)
TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội kêu gọi phụ huynh hãy tạm ngưng việc học thêm của con để dạy con thoát hiểm, dạy con bảo vệ bản thân. Bà nói, an toàn là quan trọng số một, học hành tính sau. Kẻ xấu ở ngoài đời nhan nhản vì thế việc bố mẹ cần làm ngay là dạy trẻ biết cách bảo vệ bản thân và thoát khỏi nguy hiểm.
Nhà báo Thu Hà, đồng thời cũng là một người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trẻ em cũng tha thiết xin phụ huynh hãy nghiêm túc với việc giáo dục giới tính cho con trẻ. Bà thấy rất buồn và tiếc khi nhiều cha mẹ sẵn sàng bỏ hàng chục, hàng trăm triệu để học tiếng Anh; dành hết cả tuổi thơ con để học văn toán, lý, hóa..... Nhưng không mấy cha mẹ sẵn sàng cho con tham gia lớp học về giới tính/tình dục.
“Không học về giáo dục giới tính, tính dục vì nó không mang lại bằng cấp? Nhưng nó có thể cứu cả cuộc đời đứa trẻ”, bà Hà nói.
Xâm hại tình dục là một tội ác. Nạn nhân phải chịu tổn thương không gì có thể bù đắp về thể xác lẫn tinh thần. Việc học trẻ có thể học cả đời nhưng đối với an toàn bản thân thì chỉ chậm một phút trẻ đã có thể phải gánh chịu nỗi đau khó lành.
Với tội ác này, chờ chữa cháy thì quá muộn, quan trọng nhất là việc phòng tránh. Vậy nhưng trên thực tế thì phụ huynh chưa thật sự xem trọng việc trang bị kiến thức về giới tính, bảo vệ bản thân cho con trẻ. Hoặc họ lo lắng nhưng lại lúng túng không biết phải bảo vệ con như thế nào.
Học sinh tại một trường tiểu học ở TPHCM trong buổi chuyên đề về cách phòng tránh xâm hại tình dục
Tham gia nhiều chuyên đề nói chuyện về xâm hại tình dục cho học sinh tại các trường học, ThS Lê Minh Huân (Phòng tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Lý Phong, Q.5, TPHCM) cảnh báo thực trạng rất ít học sinh biết được đầy đủ các bộ phận riêng tư trên cơ thể. Từ việc không nhận biết đúng về bộ phận riêng tư các em sẽ khó nhận diện thế nào là đụng chạm không an toàn. Rồi học trò cũng rất lúng túng không biết xử lý, kỹ năng khi những đụng chạm không an toàn nên nguy cơ bị xâm hại càng cao.
Đặc biệt, ThS Lê Minh Huấn nhắn nhủ phụ huynh hãy nói với con đừng im lặng khi bị xâm hại. Hãy lên tiếng để người lớn còn biết cách giúp đỡ mình, nếu không sẽ để lại hậu quả rất lớn về tâm lý, sức khỏe cũng như tạo đà cho những lần xâm hại tiếp theo.
TS Nguyễn Đông Hải, giảng viên Đại học Creighton (Mỹ) chia sẻ, ở Mỹ các bé từ bé đã được cha mẹ giáo dục các kiến thức giới tính. Khi bé 3 - 5 tuổi, đơn giản là bố mẹ chỉ rõ cho con một cách cụ thể các bộ phận nào trên cơ thể mà người khác tuyệt đối không được chạm đến trừ cha mẹ, bác sĩ khi đi thăm khám. Rồi việc học sẽ nâng cấp dần theo lứa tuổi làm sao để đến bậc THCS các em đã có cái nhìn đầy đủ về kiến thức giới tính.
40% vụ tố cáo xâm hại trẻ em không thể xử lý Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội Trưởng Chi hội Luật sư Bảo vệ Trẻ em TPHCM (thuộc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM) cho hay, một trong những vấn đề đáng ngại hiện nay là trong số các vụ tố cáo xâm hại trẻ em mà đơn vị này tiếp nhận có đến hơn 40% vụ không thể xử lý, phải trả hồ sơ vì không đủ chứng cứ, đặc biệt là các chứng cứ pháp y. Vì thế khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị xâm hại, gia đình hãy báo ngay sự việc càng sớm càng tốt, nhằm kịp thời lưu lại chứng cứ. Ở TPHCM, hãy gọi ngay vào đường dây nóng Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM: 18009069 hoặc Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em TPHCM: 1900545559 . Thông tin sẽ được chuyển đến cơ quan công an để điều tra và chuyển đến Chi hội Luật sư Bảo vệ Trẻ em TPHCM để tiến hành hỗ trợ các vấn đề pháp lý cho gia đình người bị hại. Chi hội Luật sư Bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM cùng Nhóm Hoạt động về Quyền trẻ em tại TPHCM cũng nhấn mạnh gia đình, nhà trường và cộng đồng cần tích cực lên tiếng phản đối, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em và giám sát chặt chẽ các đối tượng đã từng có hành vi xâm hại trẻ em nhằm ngăn chặn các hành vi tượng tự tiếp diễn. |
Tác giả bài viết: Hoài Nam
Nguồn tin: