Hậu thanh tra Petrolimex, đã có nhiều tổ chức , cá nhân ở tập đoàn này và các đơn vị thành viên bị xử lý (Ảnh minh họa/Đầu tư) |
Như vậy, sau khi bị Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ “nhắc nhở”, Petrolimex đã hoàn tất việc xử lý các tổ chức cá nhân sai phạm, hậu thanh tra. Petrolimex cũng đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ, kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể cá nhân thuộc tập đoàn.
Kết quả có 15 tập thể kiểm điểm rút kinh nghiệm. Cụ thể, Tập đoàn mẹ Petrolimex có Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc thực hiện kiểm điểm rút kinh nghiệm liên quan đến trách nhiệm trong tổ chức, quản lý điều hành. 6 phòng ban thực hiện việc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Trong đó, Ban Chiến lược và Đầu tư Petrolimex chịu trách nhiệm liên quan đến đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính gồm bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản.
Phòng Kinh doanh Petrolimex chịu trách nhiệm kiểm điểm rút kinh nghiệm liên quan đến cơ chế kinh doanh xăng dầu của tập đoàn; Quản lý điều hành giá bán nội bộ của Công ty mẹ chưa tuân thủ quy chế nội bộ và chưa phù hợp với điều hành giá bán do Liên bộ quy định; Không điều chỉnh giá bán đối với dầu hoả, dầu mazut ngày 21/2/2010. Bên cạnh đó, Phòng Kinh doanh Petrolimex còn bị yêu cầu kiểm điểm liên quan đến việc trích thiếu quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Phòng Đầu tư xây dựng Petrolimex bị yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm liên quan đến việc chỉ định thầu đối với các dự án đầu tư có giá trị dự toán trên 5 tỷ đồng do Tập đoàn phê duyệt. Ngoài ra Phòng này còn bị yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm liên quan đến quản lý sử dụng đất. Phòng kỹ thuật kiểm điểm rút kinh nghiệm liên quan đến định mức hao hụt so với thực tế và xử lý hao hụt vượt định mức của VITACO.
Ngoài ra, Petrolimex cũng kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Ban lãnh đạo Tổng công ty cổ phần VIPCO và Công ty cổ phần Hoá dầu thực hiện kiểm điểm rút kinh nghiệm; Công ty Xăng dầu khu vực II có Ban lãnh đạo Công ty và một phòng kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Một số tập thể khác cũng bị yêu cầu thực hiện kiểm điểm rút kinh nghiệm còn có Công ty Xăng dầu khu vực I; Công ty Xăng dầu khu vực II; Công ty xăng dầu B12 và Công ty Xăng dầu khu vực Tây Nam Bộ. Trong đó, mỗi công ty có một phòng thực hiện kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Cũng theo báo cáo của Petrolimex, tính đến thời điểm này đã có 14 cá nhân thuộc 4 đơn vị thành viên bị kiểm điểm. Trong đó, Công ty xăng dầu Khu vực II có 5 cá nhân nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Tại công ty xăng dầu khu vực III có 5 cá nhân bị yêu cầu thực hiện kiểm điểm. Trong đó có 3 cá nhân đã nghỉ chế độ, 2 cá nhân còn làm việc. 5 cá nhân này thực hiện kiểm điểm theo hình thức nộp tiền bồi thường. Phòng kinh doanh của công ty này cũng bị kiểm điểm rút kinh nghiệm vì liên quan đến việc sản lượng bán giá tăng tại thời điểm tăng giá; Ký hợp đồng bán cho tổng đại lý không đủ điều kiện; Bán tái xuất cho các doanh nghiệp chế xuất trong Khu công nghiệp Normura Hải Phòng sai đối tượng.
Công ty Xăng dầu Khu vực Tây Nam Bộ có hai cá nhân bị khiển trách và tại Công ty cổ phần VIPCO có hai cá nhân nộp tiền khắc phục hậu quả. Hai cá nhân này là tổng giám đốc đã nghỉ hưu và kế toán trưởng. Cả hai đều liên quan đến hợp đồng với đối tác là Công ty Thiên Lộc Phú. Trong đó, ông Nguyễn Đạo Thịnh, nguyên tổng giám đốc đã nghỉ hưu đã nộp vào tài khoản công ty 1,75 tỷ đồng khắc phục hậu quả liên quan đến sai phạm trong hợp tác đầu tư với Công ty Thiên Lộc Phú. Đồng thời nộp 214.500.000 đồng tiền khắc phục hậu quả do việc chuyển tiền sai nguyên tắc.
Ngoài ông Thịnh, liên quan đến sự vụ hợp tác đầu tư sai quy định với Thiên Lộc Phú, nguyên kế toán trưởng công ty – ông Vũ Quang Khánh cũng đã hoàn tất việc nộp 241.500.000 đồng tiền khắc phục hậu quả liên quan đến việc chuyển tiền sai nguyên tắc tài chính.
Như vậy, đến thời điểm này, Petrolimex đã hoàn tất việc triển khai thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến việc xử lý, kiểm điểm tổ chức, cá nhân có liên quan được đề nghị trong kết luật thanh tra.
Tác giả: Mạnh Quân
Nguồn tin: Báo Dân trí