Du lịch

Hành hương về Côn Đảo

Như đã thành thông lệ, từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 4, thời điểm biển êm, là mùa hành hương về Côn Đảo. Du khách từ mọi miền của Tổ quốc đổ về đây tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập của dân tộc.

Năm nay, dòng khách du lịch ra Côn Đảo tăng đột biến, càng kích thích thêm tiềm năng du lịch của mảnh đất trong quá khứ từng được mệnh danh “địa ngục trần gian”...

Linh thiêng Cô Sáu

Chúng tôi lên máy bay lúc 5 giờ 55 phút tại Tân Sơn Nhất và ra tới Côn Đảo sau chỉ 40 phút. Từ trên cao, Côn Đảo hiện ra thật quyến rũ với màu xanh bao la của biển Đông, xuống thấp là màu xanh quyến rũ của núi rừng bao bọc một phần hòn đảo, án ngữ phần lớn diện tích sân bay Cỏ Ống. Ngay sau khi ổn định nơi nghỉ, chúng tôi đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương, nơi có mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu - người con của vùng đất đỏ Đông Nam bộ với khí phách hiên ngang khiến kẻ thù phải run sợ. Nghĩa trang chỉ cách khu trung tâm Côn Đảo khoảng 2km về phía Tây Bắc.

Du khách viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Bà Ngọc, ra đảo sinh sống từ năm 1988, tình nguyện làm hướng dẫn viên cho chúng tôi. Bà nói: “Ban đêm đông hơn, tầm từ 22 giờ đến 0 giờ khách mới đi viếng nhiều”. Vào buổi chiều đầu tiên ra đảo, khách du lịch sẽ chuẩn bị đồ cúng lễ để đến tối ra cúng cô Sáu. Lễ thường gồm hoa tươi, trái cây, hàng mã, nón lá. Khách đến từ Hà Nội có người còn mang theo cả gà, xôi lên nghĩa trang để cúng cô Sáu và các anh hùng liệt sĩ.

23 giờ, chúng tôi theo chân dòng người hành hương tới Nghĩa trang Hàng Dương và cảm nhận không khí linh thiêng nơi đây. Bên ngoài bãi xe không một chỗ trống, còn bên trong thì đông như hội. Đông nhất vẫn là quanh khu vực mộ cô Sáu. Khói hương nghi ngút, người đi lễ phải đứng xếp thành hàng dài từ phía ngoài vào. Quanh mộ, người lớp trong, lớp ngoài chen chúc.

Sau khi lễ cô Sáu xong, những người hành hương tỏa đi thắp hương cho các ngôi mộ xung quanh (phần lớn là mộ khuyết danh). Không gian các dãy mộ đặc quánh khói hương, lung linh huyền ảo. Một góc nghĩa trang lửa đỏ rực, là nơi du khách tập trung hóa vàng. Không ít người lặng lẽ ngồi nghỉ chân trên những dãy ghế đá dọc theo nghĩa trang, lắng nghe lời giới thiệu chậm rãi phát ra từ các loa gắn trên những lối đi, về lịch sử xây dựng nghĩa trang và về sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ trong đó có Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - người trước khi chết vẫn nhắn nhủ với Đảng về niềm tin son sắt vào sự tất thắng của cách mạng.

Mỗi di tích là một tấm bia mộ

Có ra đến Côn Đảo mới hiểu được phần nào cụm từ “địa ngục trần gian” mà người ta đã đặt cho hòn đảo này. Ngoài hệ thống chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ vẫn còn hiện hữu quanh khu trung tâm Côn Đảo, là những tấm bia di tích ghi dấu những năm tháng lao động khổ sai đến chết của những người tù. Đó là cầu tàu 914 được xây dựng từ năm 1873 - nơi chứng kiến sự đày ải đầu tiên của những người bị đày ra đảo. Thống kê sơ bộ, có 914 người tù đã phải bỏ mạng khi tham gia xây dựng cầu tàu này; có gần 20.000 người tù chỉ qua cầu một lần khi tàu cập bến, mà không có cơ hội rời bến trở về với gia đình, người thân vì không sống nổi qua những trận đòn roi tàn bạo của thực dân, đế quốc và bệnh tật. Họ đã vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo.

Trong những ngày lưu lại đảo, chúng tôi cũng qua lại khu rừng keo, rừng dương trước di tích chuồng cọp Pháp. Bãi biển ở đây rất đẹp, phẳng lỳ. Vào ngày nước ròng, những bãi cát thoai thoải trắng phau lộ lên ở phía xa, cách bờ khoảng 300 - 400m. Xưa kia, nơi đây vốn là Nghĩa trang Hàng Keo rộng mênh mông, với diện tích lên đến 80.000m2, là nơi chôn vùi khoảng 10.000 tù nhân bị thực dân Pháp giết hại từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 1940 - 1941. Cho đến năm 1997, cơ quan chức năng chỉ cải táng được số ít phần mộ để quy tập về Nghĩa trang Hàng Dương, còn phần lớn hài cốt của hàng ngàn người vẫn nằm lại ở đây, dưới những đụn cát trắng, hay ngay dưới những hàng keo rợp bóng mát.

Gìn giữ và phát huy tài nguyên du lịch

Gần một tuần ở đảo, ngoài việc lang thang qua nhiều ngõ ngách ở khu trung tâm thị trấn, chúng tôi vẫn chưa thể đi tham quan hết một vòng các di tích. Gia tài di tích của Côn Đảo khá đồ sộ. Ngoài những dãy chuồng cọp, nghĩa trang Hàng Keo, Nghĩa trang Hàng Dương, nhà Chúa đảo, Bảo tàng Côn Đảo, chùa Vân Sơn trên núi Một, chúng tôi vẫn chưa đến được những nơi như miếu Bà, dinh Cậu và 18 Sở Tù. Do mưa nắng, do thời gian và do bàn tay phá hoại của con người, cùng với sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền một thời, mà một số di tích như Sở Muối, Sở Chuồng Bò đang xuống cấp trầm trọng. Thế nhưng việc nâng cấp, tôn tạo những di tích này cần phải có kinh phí, thời gian và nhất là thủ tục. Phó Ban quản lý Di tích Côn Đảo Trần Văn Quang thừa nhận: Các di tích mau xuống cấp do ảnh hưởng của khí hậu, gió chướng tràn lên đảo, nhưng việc triển khai nâng cấp thường rất chậm do hồ sơ di tích quốc gia phải trình rất lâu và hiện các hồ sơ đang trình Bộ VH-TT-DL thẩm định, như hồ sơ nâng cấp trại 3, Phú Sơn, Phú Thọ.

Tuy nhiên, khó khăn mà Côn Đảo đang phải đối mặt chính là sự tăng trưởng nóng của khách du lịch trong thời gian gần đây. Sự tăng trưởng ấy đã phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đảo. Trong 3 tháng đầu năm 2018, lượng khách đến Côn Đảo là 46.564 lượt, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2017; còn năm 2017, lượng khách cũng tăng 46% so với năm 2016. Hệ quả hạ tầng chưa đáp ứng kịp, nạn “cháy phòng” khách sạn, nhà nghỉ diễn ra thường xuyên vào dịp cuối tuần; giá phòng lưu trú cũng tăng chóng mặt; các cơ sở dịch vụ thiết yếu như quán ăn, nhà hàng cũng thiếu nhiều. Một lượng lao động lớn từ các vùng quê ở đất liền ra đảo lập nghiệp, nhưng vẫn còn thiếu trầm trọng lao động có tay nghề, đã qua đào tạo…

Việc Côn Đảo cần làm bây giờ là nhanh chóng quy hoạch lại dân cư, quy hoạch phát triển du lịch của cả quần đảo để quản lý một cách khoa học, bền vững tài nguyên đất đai, di tích, cây xanh vốn có. Đặc biệt là đất đai vốn đã hạn hẹp của đảo cần phải được quản lý chặt chẽ để tránh bị đầu cơ, chia chác đất công, nhưng đồng thời phải tạo được quỹ đất ở cho người lao động và công nhân viên chức an cư lâu dài tại đảo.

Nhiều năm qua, Nghĩa trang Hàng Dương đã trở thành tâm điểm thu hút rất đông du khách hành hương, về nguồn, khi người ta truyền tai nhau về sự linh thiêng của cô Sáu. Riêng với người dân trên đảo, từ rất lâu rồi, cô Sáu đã thành một vị thần hộ mệnh với cái tên trìu mến “Cô Sáu”. Gần nhất là khi trận bão lớn cuối tháng 12-2017 vừa qua đã né không quét qua đảo, khiến người dân càng tin đó là nhờ có cô Sáu…

Tác giả: VĂN PHONG

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP