0 giờ ngày 11-11, người dân ở TP Hà Nội vẫn phải xếp hàng dài chờ đổ xăng. |
Tại TP HCM, trước giờ điều chỉnh giá xăng dầu trong ngày 11-11, tái diễn cảnh người dân rồng rắn chờ mua xăng từ sáng sớm.
Với TP Hải Phòng, để đổ được xăng cho phương tiện tham gia giao thông, ở vài nơi, người dân phải 3 lần đi xếp hàng trong ngày mới mua được.
Chuyện xảy ra ở 3 thành phố - được xem là trung tâm kinh tế của quốc gia, trong cùng ngày, minh chứng một điều mà khi nhắc đến, ai cũng bức xúc: sự đứt gãy nguồn cung xăng dầu đã diễn ra khá lâu nhưng đến hôm nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Người dân ta thán, báo chí lên tiếng, chuyên gia hiến kế, Quốc hội chất vấn… đã có đủ. Nhưng mọi chuyện đâu vẫn vào đấy, chẳng có địa chỉ trách nhiệm.
Tình trạng khó khăn khi mua xăng dầu gây đảo lộn đời sống người dân, gây tốn thời gian, chi phí, dẫn đến thiệt hại cả về thu nhập, công việc cũng như nhiều thứ khác.
Việc đứt nguồn cung về xăng dầu đã tác động đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó trực tiếp là các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh có sử dụng xăng dầu.
Một cựu quan chức của Bộ Công Thương cũng phải thừa nhận rằng "giai đoạn này Chính phủ đang có chủ trương khuyến khích đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau dịch, mà thiếu nguyên liệu đầu vào sẽ làm cho sản xuất giảm sút, ảnh hưởng đến tăng trưởng của GDP".
Rõ ràng, sự đứt gãy nguồn cung xăng đã để lại hậu quả không nhỏ cho xã hội là có thật; tạo bức xúc, hoài nghi cho người dân là có thật. Và trách nhiệm của Bộ Công Thương trong câu chuyện này cũng là thật.
Đêm 10-11 và rạng sáng 11-11, rất đông người dân ở TP Hà Nội phải xếp hàng chờ đổ xăng. Ảnh: Hữu Hưng |
Nhu cầu sử dụng xăng của cả nước là 5,5 triệu m³/quý. Hai nhà máy "nội địa" Bình Sơn và Nghi Sơn hiện sản xuất được khoảng 4,3 triệu m³/quý, đáp ứng được 79% nhu cầu; chỉ cần nhập khẩu 21%.
Cả nước có hơn 30 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Trong đó có nhiều "đại gia" đình đám thương trường mà khi nhắc đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ai cũng phải nghĩ đến là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro)...
Vậy tại sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu xăng? Nói thẳng, do Bộ Công Thương thiếu kiểm tra, thiếu giám sát, thiếu chế tài và thiếu giải pháp điều hành hiệu quả!
Giờ đây, người dân không còn muốn nghe nguyên nhân do đâu (vì nghe nhiều rồi), mà chỉ muốn biết đến bao giờ hết ám ảnh cảnh xếp hàng để mua xăng?
Hãy hành động, thưa Bộ Công Thương! Hành động quyết liệt để chấm dứt cái phi lý trong thời kinh tế số; đừng đùn đẩy trách nhiệm, lúng ta lúng túng theo kiểu "miền Nam thiếu xăng vì phụ thuộc xăng lậu….", khiến kinh tế thiệt hại, xã hội bức xúc.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Bộ trưởng Bộ Công Thương phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, bảođảm minh bạch, hiệu quả.
Người dân đang trông chờ Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên!
Tác giả: LÊ CƯỜNG
Đồ họa: ANH THANH
Nguồn tin: Báo Người Lao động