Giáo dục

Hàng tỉ đồng xóa mù chữ vẫn hoàn mù

Hàng ngàn người ở Nghệ An đã được xóa mù chữ với kinh phí nhiều tỉ đồng trong hơn 10 năm qua, nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên, rất nhiều người vừa được xóa mù cuối năm 2015, nay đã tái mù.

xoa mu HTIC
Nhiều người dân ở H.Kỳ Sơn (Nghệ An) được xóa mù “đạt yêu cầu” nhưng vẫn chưa đọc thông, viết thạo. Ảnh Khánh Hoan

Báo cáo "đẹp"

Năm 2015, Phòng GD-ĐT H.Kỳ Sơn hoàn thành 16 lớp xóa mù cho người dân với 330 học viên được đánh giá “đạt yêu cầu” đọc thông, viết thạo và cộng trừ đến số 100 như quy định của Bộ GD-ĐT. Thế nhưng, tại bản Huồi Nhúc, xã Phà Đánh, qua khảo sát của PV Thanh Niên, trong số 22 học viên được đánh giá “đạt yêu cầu” có khoảng gần 50% số người chưa biết đọc, biết viết hoặc chỉ đánh vần đọc được những từ có cấu tạo đơn giản. Có mặt tại điểm nhận gạo cứu đói, nhiều người đã được xóa mù chữ “đạt yêu cầu” nhưng vẫn chưa thể đọc được danh sách tên mình để nhận gạo như: chị Xeo Thị Muôn, Moong Thị Hạnh, Cụt Thị Muôn, Lo Thị Tương…Khi PV hỏi vì sao không biết đọc, các học viên này cho rằng do thầy giáo dạy quá ít. “Ban đầu mỗi ngày học 2 buổi vào chiều thứ 2 và thứ 5 nhưng sau đó có khi cả tháng mới học một buổi”, chị Lô Thị Tương nói.

Tại H.Quỳ Châu cũng diễn ra tình trạng “tái mù” tương tự. Có tên trong danh sách 24 người đã hoàn thành xóa mù của Phòng GD-ĐT H.Quỳ Châu từ tháng 12.2015, nhưng chị Lương Thị Hà (ở bản Chiềng, xã Châu Thuận) cũng chỉ viết được họ tên mình, không đọc được. Chị Vi Thị Biết (bản Nóng Hao) thì chỉ biết mặt chữ cái, không đọc, không viết được… Anh Cầm Bá Thắng, Trưởng bản Nóng Hao cho biết, bản có 9 người tham gia lớp xóa mù nhưng sau khi học, chỉ có 5 người đánh vần đọc chữ được và viết được, 4 người không biết đọc hoặc chỉ đánh vần đọc được những từ đơn giản nhưng rất khó khăn.

Chị Vi Thị Hoa (34 tuổi, ngụ bản Mờ Póm, xã Châu Hoàn) cũng là một trong số 30 người có trong danh sách đã học xong chương trình xóa mù chữ và kết quả đạt yêu cầu (tương đương lớp 3) do Trường tiểu học Châu Hoàn tổ chức từ tháng 8 đến tháng 11.2015. Thế nhưng, đến nay, chị Hoa chỉ mới viết được họ, tên của mình, còn các từ khác thì không thể. Cầm danh sách học viên xóa mù được đánh máy và in rất rõ (do PV đưa) nhưng đánh vần mãi, chị Hoa vẫn không đọc được chữ nào. Anh Quang Xuân Phúc (chồng chị Hoa, Trưởng bản Mờ Póm) nói, sau khi theo học lớp xóa mù, vợ anh chỉ mới nhận diện được mặt chữ cái, chưa thể đánh vần để đọc. “Vợ tôi kêu cô giáo dạy nhanh quá, tôi có góp ý nhưng cô nói phải dạy cho đúng chương trình”, anh Phúc kể.

Bà Vi Thị Hoài, giáo viên Trường tiểu học Châu Hoàn, một trong 3 giáo viên tham gia dạy lớp xóa mù này thừa nhận, trong số 30 học viên đã hoàn thành chương trình xóa mù của xã, đến nay chỉ còn khoảng 50% còn nhớ chữ để đánh vần đọc. “Nguyên nhân do người dân bận làm ăn nên đi học không đều, sau khi học, họ không đọc, viết nên bị quên”, bà Hoài lý giải.

Nhiều bài kiểm tra cùng một người làm

Để kiểm chứng việc nhiều học viên chưa biết viết, biết đọc thành thạo nhưng các bản báo cáo của các phòng GD-ĐT vẫn rất “đẹp”, PV đã đề nghị Hiệu trưởng Trường tiểu học Châu Thuận (H.Quỳ Châu) cho xem bài kiểm tra cuối kỳ của các học viên nhưng bà Trần Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng nhà trường từ chối với lý do toàn bộ bài kiểm tra, danh sách học viên và hồ sơ đều đã nộp về cho Phòng GD-ĐT. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Châu, Trưởng Phòng GD-ĐT H.Quỳ Châu cho biết, Phòng chỉ thu về học bạ, sổ điểm còn bài kiểm tra theo nguyên tắc phải lưu ở trường.

Tại Trường tiểu học Châu Hoàn, H.Quỳ Châu, trong số 30 bài kiểm tra chất lượng học viên cuối kỳ học mà PV đề nghị trường cho xem, có nhiều bài có cùng một nét chữ, thậm chí những chữ viết sai chính tả cũng y hệt như nhau. Một số học viên có tên trong bài kiểm tra khẳng định họ không viết được như thế và không làm bài kiểm tra này. Nhiều học viên không đi học, thậm chí có học viên đã chuyển đi nơi khác sinh sống trước khi khai giảng lớp học và không học buổi nào cũng có bài kiểm tra và cũng được đánh giá “đạt yêu cầu”!. (Còn tiếp)

Theo ông Nguyễn Huy Cao, Phó phòng GDTX (Sở GD-ĐT Nghệ An), năm 2015, tổng chi phí để xóa mù cho 621 người học xong chương trình xóa mù và 42 học viên học tiếp sau xóa mù (tương đương lớp 5) là gần 5 tỉ đồng. Từ năm 2010 - 2014, mỗi năm sở tổ chức xóa mù cho khoảng 1.000 người. Tuy nhiên, ông Cao cũng cho biết, chương trình xóa mù chữ được thực hiện từ năm 2003 nhưng đến nay, sở chưa thống kê, kiểm tra số người tái mù sau khi đã được xóa là bao nhiêu trong số 15.000 người ở Nghệ An đang bị mù chữ ở thời điểm hiện nay.

Tác giả bài viết: Khánh Hoan

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP