Trong ba thị trường nhập xe nhập nhiều nhất 2 tháng đầu năm, dẫn đầu vẫn là xe của Thái Lan (5.700 chiếc), Indonesia (3.100 chiếc) và Ấn Độ (1.700 chiếc). Riêng xe Ấn Độ, tháng 2 có hơn 718 chiếc xe được nhập về, dù giảm hơn 300 chiếc so với tháng 1, nhưng tăng hơn 570 chiếc so với tháng 1 năm ngoái. Lũy kế 2 tháng năm 2017, xe Ấn Độ vào Việt Nam đạt trên 1.720 chiếc, tăng hơn 1.500 chiếc so với cùng kỳ năm 2016, sau 1 năm lượng xe tăng gấp hơn 9 lần.
Xe từ Indonesia, trong tháng 2 nhập về Việt Nam ước đạt hơn 1.280 chiếc, giảm khoảng 600 chiếc so với tháng trước, nhưng lại tăng hơn 630 chiếc so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 2 tháng đầu năm, có khoảng 3.100 chiếc xe Indonesia nhập vào Việt Nam, tăng hơn 2.400 chiếc so với cùng kỳ năm 2016, tốc độ tăng gấp hơn 4 lần sau 1 năm.
Xe Thái Lan, trong tháng 2 nhập về Việt Nam đạt trên 3.100 chiếc, tăng hơn 500 chiếc so với tháng 1 và hơn 1.000 chiếc so với tháng 2/2016. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, có khoảng 5.700 xe hơi Thái nhập về Việt Nam, tăng hơn 970 xe, tốc độ tăng gấp 1,2 lần sau 1 năm.
Về các thị trường giảm lượng xe nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước là xe từ Đức giảm hơn 90 xe, xe Nhật giảm hơn 230 chiếc, giảm mạnh nhất là xe Trung Quốc hơn 540 chiếc.
Đánh giá sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, lượng tăng, giảm nhập khẩu các loại xe trên phụ thuộc lớn vào thị trường và thị hiếu mua, sử dụng xe của người Việt Nam. Tuy nhiên, theo lý giải của Tổng cục Hải quan, điều này có tác động của chính sách thuế, cụ thể là từ tháng 1, thuế nhập xe hơi từ ASEAN hạ xuống chỉ còn 30% thay vì 40% như trước kia.
Đối với xe từ các thị trường Đức, Pháp, Nhật, Nga, Trung Quốc vẫn phải chịu thuế nhập khẩu từ 45 - 75%, dù Hiệp định Tự do thương mại song phương Việt Nam và EU có điều khoản xóa bỏ thuế nhập cho xe hơi từ Anh, Pháp, Đức... được ký kết năm 2015 nhưng theo cam kết phải sau 10 năm nữa (năm 2025) Việt Nam mới phải dỡ bỏ thuế quan nhập khẩu xe ô tô từ các nước EU. Thuế nhập xe từ các nước EU vẫn được giữ nguyên như hiện nay.
Ngoài ra, việc tăng mạnh về xe Thái, Indonesia và Ấn Độ, Hàn Quốc vào Việt Nam, được lý giải do ảnh hưởng của việc điều chỉnh Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), tăng cao đối với dòng xe có dung tích xi lanh từ 2.5L trở lên và giảm mạnh lần lượt từ 5 - 10% thuế suất theo các năm đối với các dòng xe từ 2.0L trở xuống. Đây được xem là lợi thế dành thúc đẩy lượng xe phổ thông như Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia vào Việt Nam.
Về mức giá, theo dữ liệu giá khai báo hải quan (thuế bên nhập khẩu khai báo, chưa bao gồm các loại thuế nhập khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng), trị giá nhập khẩu/tổng lượng nhập ô tô nguyên chiếc mà Tổng cục Hải quan đưa ra, xe Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan tiếp tục có mức giá rẻ nhất thị trường hiện nay.
Cụ thể, giá bình quân xe nhập Ấn Độ trong 2 tháng qua chỉ dao động từ 88 triệu đồng/chiếc, giảm hơn 2 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là giá xe siêu rẻ, rẻ nhất thị trường xe nhập khẩu, lắp ráp trong nước hiện nay.
Xe Indonesia và Thái Lan, trong 2 tháng, giá bình quân lần lượt là từ 250 - 430 triệu đồng/chiếc, mức giá xe nhập về hiện đang rẻ thứ 2 và thứ 3 thị trường. Tiếp đến là giá xe Hàn Quốc, bình quân đạt khoảng 300 triệu đồng/chiếc, mức giá rẻ hơn rất nhiều so với xe của Nhật Bản, Mỹ...
Mức giá xe nhập bình quân cao nhất thuộc về xe có xuất xứ từ Pháp, Đức, Nga, Mỹ. Cụ thể, xe Pháp giá trung bình 1,7 tỷ đồng/chiếc, xe Nga cũng khoảng 1 tỷ đồng, xe Đức là 1,3 tỷ đồng và xe Mỹ là hơn 770 triệu đồng/chiếc.
Đáng chú ý trong nhóm các nước có xe nhập khẩu đắt đỏ 2 tháng đầu năm, xe Đức có tốc độ tăng giá nhanh, mạnh nhất. Nếu so với giá xe của nước này nhập về Việt Nam 2 tháng năm 2016, giá trung bình chỉ đạt 690 triệu đồng/chiếc, hiện nay giá trung bình xe Đức là 1,3 tỷ đồng/chiếc.
Trở lại với thị trường xe nhập giá rẻ từ các nước ASEAN, nhiều giả thuyết, kịch bản cho thị trường xe năm 2017 được các chuyên gia, dân kinh doanh ô tô đưa ra là: Xu hướng giảm giá xe nhập bao trùm, đẩy xe lắp ráp trong nước vào cuộc cạnh tranh về giá cho đến cuối năm. Sang năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia được dỡ bỏ khi vào Việt Nam (với điều kiện các nước này đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% chiếc xe), nhiều khả năng mặt bằng giá xe mới trong nước sẽ được thiết lập.
Điều này sẽ tạo nên xu hướng cạnh tranh về giá, khiến các doanh nghiệp sản xuất của các liên doanh lắp ráp xe hơi trong nước phải hạ giá bán đủ sức cạnh tranh trong nước, điều đó giúp thị trường và người tiêu dùng hưởng lợi.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: