Kinh tế

Hàng hoá Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh khi Anh rời EU

Người Anh quyết định tách khỏi Liên minh châu Âu sẽ tác động tới khả năng cạnh tranh hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang nước này và EU, ít nhiều gây sức ép lên tỷ giá VND/USD.

Theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố ngày 24/6, có gần 51,9% cử tri Anh đã ủng hộ việc nước này rời Liên minh châu Âu (EU). Điều này đồng nghĩa sau 40 năm gắn bó, người Anh đã chọn lựa con đường "ra ở riêng". Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, một EU không có nước Anh sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, đặc biệt về mặt xuất nhập khẩu và tỷ giá ngoại hối.

"Thị trường nên bình tĩnh” là lời khuyên của Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia Trương Văn Phước khi bình luận với VnExpress về quyết định Anh rời EU (Brexit).

Theo ông Phước, với những gắn bó và ảnh hưởng của nước Anh ở EU, việc người dân nước này đồng ý rời khối liên minh chung chắc chắn tạo ra một cú sốc lớn.

"Với những cú sốc lớn về kinh tế chính trị quốc tế như thế, kinh nghiệm cho thấy phải hết sức bình tĩnh để đón nhận các diễn biến sắp tới. Theo quan điểm cá nhân tôi, đồng bảng Anh sẽ phục hồi trở lại và các đồng tiền khác của thế giới, EU cũng vậy", Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia lạc quan.


Đặt vấn đề về tác động của Brexit tới kinh tế Việt Nam tại buổi họp báo sáng 24/6, đại diện của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, quyết định của Anh trước mắt chưa thể thấy rõ rệt ở Việt Nam do quan hệ kinh tế trực tiếp còn chưa lớn. Nếu có ảnh hưởng thì các nước châu Âu và Mỹ chịu nhiều hơn hay ở châu Á là các trung tâm kinh tế lớn như Hong Kong, Nhật Bản, Singapore.

"Chắc chắn khi xảy ra sẽ có đánh giá nhưng Brexit trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế của chúng ta. Mọi việc vẫn phải chờ đợi ”, bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhận định.

Dù vậy, thị trường tài chính, đặc biệt là vàng và chứng khoán trong nước đã có những phản ứng tức thì trước thông tin Anh rời EU. Giá vàng tăng, giảm chóng vánh, bị đẩy lên sát 36 triệu đồng một lượng rồi quay đầu giảm dần và "chốt" giá 35,1 triệu đồng một lượng vào cuối giờ giao dịch ngày 24/6.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có một ngày giao dịch ngập trong sắc đỏ. Vn-Index có lúc mất 34 điểm - mức sụt giảm mạnh nhất từ đầu năm và khiến thị trường mất hơn một tỷ USD khi chốt phiên. Tỷ giá GBP/VND cũng giảm 2.663 điểm....

Bình luận về hiệu ứng tức thì của thị trường tài chính trong nước, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu tỏ ra khá thận trọng. Ông nhấn mạnh mối quan tâm của mình không chỉ ở sự biến động của các chỉ số, mà xa hơn là tính ổn định của thị trường chứng khoán về dài hạn sẽ ra sao nếu nhà đầu tư ngoại tháo chạy.

“Khi chứng khoán biến động, các quỹ đầu tư từ châu Âu, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đưa dòng vốn trở về với thị trường truyền thống để bảo toàn, thay vì thị trường mới nổi như Việt Nam”, vị chuyên gia này lo lắng và nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần có ngay biện pháp để giữ chân khối ngoại và thu hút thêm dòng vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng khác.

Những biến động tức thời của thị trường tài chính, tỷ giá ngoại hối theo ông Trương Văn Phước là dễ hiểu, nhưng vị chuyên gia này vẫn tin tưởng vào sự phục hồi của đồng bảng Anh, cũng như đồng euro và một số đồng tiền khác của châu Á sau khi "cơn sóng" qua đi.

"Nên chờ đợi thêm một thời gian ngắn nữa xem sự phục hồi của những đồng tiền này như thế nào thì mới có định hướng cho đường đi nước bước của tỷ giá hối đoạn VND/USD. Lúc thị trường biến động đừng có nên phản ứng vội vã, phải để mặt hồ yên lặng trở lại đã", ông nói. Vị chuyên gia này không nghĩ rằng xuất khẩu của Việt Nam vào EU trở nên khó khăn vì Brexit.

Thế nhưng, nếu đồng bảng Anh (GBP) vẫn tiếp tục kéo dài chuỗi phiên giảm giá, cùng với đó là sự đi xuống của đồng euro, quyết định này có thể phá vỡ các mối quan hệ cung ứng hàng hóa, dòng tiền với các nước EU, từ đó tác động gián tiếp đến các doanh nghiệp có quan hệ kinh tế xuất khẩu, tức cung ứng hàng hóa vào Anh. Khi đó, đồng Việt Nam sẽ lên giá so với GBP, euro... khiến hàng hoá Việt trở nên khó cạnh tranh hơn trên đất Anh, châu Âu do đắt đỏ hơn.

Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tính tới hết tháng 5/2016 chiếm khoảng 2,9% trong tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Đây là một tỷ lệ đáng chú ý dù Anh không phải là thị trường xuất khẩu rộng lớn như Mỹ, EU. Với giá trị xuất khẩu sang Anh tương đương 4,6 tỷ USD trong năm 2015, nếu tỷ trọng nhập khẩu của Anh giảm 10%, thì xét về giá trị tuyệt đối, ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam khoảng 460 triệu USD...

Thêm vào đó, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế châu Âu theo sau sự kiện Brexit sẽ kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hóa và qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU. Điều này gây áp lực lên các nhà xuất khẩu lớn vào EU như Trung Quốc hay Việt Nam...

"Đồng bảng Anh mất giá sẽ khiến tăng trưởng GDP của Anh giảm, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn do giá tăng", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá. Điều khiến ông lo ngại hơn là hiệu ứng dây chuyền, sự sụt giá của đồng bảng sẽ khiến nhân dân tệ (NDT) tăng giá, tạo áp lực lên VND và hàng xuất khẩu của Việt Nam.

"Lâu nay nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào “người láng giềng” Trung Quốc, nên nếu đồng NDT phá giá thì VND khó lòng trụ vững. Tới lúc đó có thể cơ quan điều hành phải tính toán để giảm giá VND, nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam", ông Hiếu nói.

Trong một phân tích về tác động của Brexit tới nền kinh tế Việt Nam, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận xét: Xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không còn nhiều dư địa chính sách để giữ ổn định tỷ giá.

Hơn thế nữa, lựa chọn giữ tỷ giá sẽ cần phải đánh đổi bằng thiệt hại về nguồn lực đặc biệt nguồn dự trữ ngoại hối. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dù đang khá dồi dào nhưng có thể sẽ nóng trở lại khi ngân hàng sẽ phải bán ra lượng tiền đồng lớn để mua và củng cố trạng thái ngoại tệ khi các rủi ro từ phía thế giới tăng lên.

Dù người Anh đã quyết "dứt áo" ra khỏi EU, nhưng cũng phải mất 2-3 năm nữa quyết định này mới có hiệu lực chính thức. Và đây là khoảng thời gian được các chuyên gia nhấn mạnh là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp xuất khẩu cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, gia tăng tính cạnh tranh cho từng mặt hàng xuất khẩu sang EU, Anh...

Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP