Số hóa

Hãng hàng không đầu tiên Việt Nam áp dụng công nghệ 4.0 về kế hoạch bay

Jetstar Pacific vừa trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được Cục hàng không dân dụng Việt Nam chấp thuận sử dụng phương thức thực hiện kế hoạch bay từ xa dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 tại 16 sân bay của Việt Nam.

Sau 1 tháng thử nghiệm thành công, Cục hàng không dân dựng Việt Nam (CAAV) đã có công văn chính thức chấp nhận cho Jetstar Pacific thực hiện phương thức nộp kế hoạch bay từ xa cho các chuyến bay cất cánh từ sân bay Cam Ranh bắt đầu từ 6/6/2018.

Đây cũng là sân bay nội địa cuối cùng Jetstar Pacific được CAAV phê chuẩn, bắt đầu cho giai đoạn đơn giản hóa thủ tục bay dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ở các sân bay Việt Nam, thực hiện tốt chủ trương hiện đại hóa ngành Hàng không, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý hoạt động bay.

Jetstar Pacific là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam thuận sử dụng phương thức thực hiện kế hoạch bay từ xa


Khởi động từ tháng 6/2017, dự án về nộp kế hoạch bay không lưu của Jetstar Pacific đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Cục hàng không Việt Nam, phối hợp chặt chẽ của Tổng Công ty quản lý Bay Việt Nam và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cùng các cơ quan chức năng trong ngành. Tại mỗi sân bay, công tác thử nghiệm kéo dài 1 tháng cho đến khi được đánh giá và phê chuẩn, hiện Jetstar Pacific đã hoàn thành và đưa vào áp dụng tại 16 sân bay nội địa do Hãng đang khai thác.

Với phương thức mới, tuân thủ quy định của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), kế hoạch bay sẽ được soạn và gửi từ Trung tâm Điều hành Khai thác của Hãng qua hệ thống truyền dữ liệu đặc dụng của Hàng không dân dụng (AFTN) đến thẳng các đơn vị chuyên môn và cơ quan quản lý không lưu. Phi công Jetstar Pacific chỉ cần ở yên trên tàu bay, sử dụng máy tính (Ipad) để xử lý và tiếp nhận dữ liệu mà không phải rời máy bay, di chuyển vào phòng thủ tục ở sân bay để nộp kế hoạch bay như trước đây.

Đại diện Jetstar Pacific chia sẻ, ứng dụng công nghệ mới không chỉ góp phần giảm bớt công việc cho phi công, giảm thời gian chờ làm thủ tục khi có nhiều chuyến bay mà còn giúp hành khách không phải chờ đợi, tăng hiệu suất thực hiện thủ tục trước chuyến bay, tiết kiệm đáng kể chi phí và nâng cao chỉ số khai thác đúng giờ.

Thông tin từ Jetstar Pacific cho biết, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã phê chuẩn phương thức khai thác RNAV2 cho Hãng (trước đó đã phê duyệt RNP1, RNP1, RNP10 và RNAV1, RNAV5). Đây là phương thức khai thác đặc biệt cốt lõi dựa vào tính năng của đội máy bay hiện đại và định vị vệ tinh, giúp các điều phái viên tối ưu hóa mực bay, giảm quãng đường và thời gian bay. Điều này làm cho các chuyến bay “thẳng hơn”, góp phần giảm chi phí khai thác và nhiên liệu bay. Đồng thời, các phương thức mới cũng giúp giảm tình trạng “thắt cổ chai” ở khu vực tiếp cận hạ cánh ở các sân bay có mật độ chuyến bay nhiều, tăng năng lực sử dụng không phận.

Hình ảnh tiếp viên của Jetstar Pacific trên một chuyến bay

Jetstar Pacific là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, đây cũng là hãng hàng không đầu tiên ứng dụng thành công vé máy bay điện tử đầu tiên tại Việt Nam. Hiện Hãng đang khai thác 128 chuyến/ngày, tương đương cung ứng khoảng 160.000 chỗ/tuần đến 16 điểm đến nội địa và 6 điểm đến quốc tế đến Singapore, Băng Cốc (Thái Lan), Đài Băc, Quảng Châu, Hồng Kông (Trung Quốc), Osaka (Nhật Bản).

Hai cổ đông chính của Jetstar Pacific là Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines và Tập đoàn Hàng không quốc gia Úc – Qantas Group (Qantas Airways).

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP