Ngày 15/10, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm 4 ngày tới Pháp. Đây là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm 9 ngày tới các nước châu Âu của Tổng thống Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP |
Diễn ra trong bối cảnh Bán đảo Triều Tiên đang có những thay đổi tích cực, ngoài các vấn đề hợp tác song phương, chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Hàn Quốc cũng nhằm tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao để đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa cũng như mang lại hòa bình lâu dài và ổn định cho khu vực.
Chuyến thăm châu Âu diễn ra trong bối cảnh Bán đảo Triều Tiên đang đứng trước bước ngoặt quyết định. Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc - Triều Tiên lần thứ 3 trong năm nay kết thúc với các kết quả tích cực, đặt nền tảng cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một “cơn lốc ngoại giao cấp cao” cũng được các nước liên quan lên kế hoạch để tận dụng cơ hội đặc biệt này.
Vẫn có những nghi ngại không chỉ từ phía Mỹ mà còn các nước phương Tây và quốc tế khác về những cam kết và sự chân thành của Triều Tiên hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Chính vì vậy, chuyến thăm tới châu Âu lần này, Tổng thống Hàn Quốc được cho là sẽ nỗ lực thuyết phục, kêu gọi quốc tế ủng hộ tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu trước khoảng 200 người Hàn Quốc sinh sống tại Pháp ngày 14/10, Tổng thống Moon Jae-in cho biết, tại cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Pháp Macron, ông sẽ đề nghị Pháp, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU), hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong chuyến thăm 3 ngày tới Italy và dự kiến tiếp kiến Giáo hoàng Francis, Tổng thống Moon Jae-in sẽ chuyển lời mời của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mong muốn Giáo hoàng đến thăm Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Giáo hoàng ủng hộ cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Phát biểu tại Vatican, Đức Giám Mục Hàn Quốc You Heung-sik nhận định, thiện chí của Triều Tiên và chuyến thăm của Giáo hoàng tới quốc gia này nếu thành hiện thực sẽ là một bước đi lớn hướng đến hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
“Tôi nghĩ Triều Tiên sẵn sàng mở cửa đất nước, từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tạo nên một Triều Tiên mới. Nhiều người mong đợi chuyến thăm của Giáo hoàng tới Triều Tiên sẽ là một bước đi quan trọng cho Bán đảo Triều Tiên, vì khi đó hình ảnh của Triều Tiên sẽ được đưa ra thế giới. Tôi sẽ cầu nguyện để điều này diễn ra”, Đức Giám Mục Hàn Quốc You Heung-sik nói.
Việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu ( ASEM) tại Brussels, Bỉ trong tuần này sẽ tiếp tục là cơ hội để Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù cơ hội hòa bình đang đến với Bán đảo Triều Tiên, nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản và cần sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Dư luận hiện lo ngại rằng, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 trong năm nay có thể vấp phải những vật cản mới, khi Triều Tiên tiếp tục muốn nhận được những nhượng bộ, còn Mỹ vẫn khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng sức ép và trừng phạt cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Nhiều quốc gia như Nga và Trung Quốc gần đây liên tiếp kêu gọi quốc tế dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Mặc dù khẳng định không đưa ra bất cứ bước đi nào hỗ trợ Triều Tiên nếu vi phạm các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng Hàn Quốc cũng bắt đầu chuẩn bị nối lại các hoạt động hỗ trợ kinh tế và hợp tác với Triều Tiên. Tuy nhiên, bất cứ bước đi nào cũng cần sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt 5 nước thường trực Hội đồng an Liên Hợp Quốc, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh.
Chính vì vậy, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh, Mỹ và các nước còn lại cần phải thể hiện cho Triều Tiên rằng, nước này đang có các quyết định đúng đắn khi từ bỏ tham vọng hạt nhân, bằng việc đảm bảo những lợi ích mà Triều Tiên có thể được nhận sau khi phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Cộng đồng quốc tế cũng nên ngay lập tức xem xét nới lỏng và thậm chí dỡ bỏ một số các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên./.
Tác giả: Phạm Hà
Nguồn tin: Báo VOV