Thực tế các hãng ráp xe tại Việt Nam cũng chỉ là các hãng lắp ráp nước ngoài, hoàn toàn không phải là xe do doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất ra. Chúng ta hy vọng việc lắp ráp xe của các hãng tại Việt Nam thì sẽ nắm được công nghệ chăng?
Theo tôi đó là mơ tưởng. Thực tế hơn 20 năm qua chúng ta không nắm bắt công nghệ gì. Ngược lại, người dân phải sử dụng những chiếc xe thiếu chất lượng, không an toàn, mức độ khí thải cao với một cái giá đắt đỏ.
Việc sở hữu ôtô là một xu thế không cản được. Điều này minh chứng cho một nền kinh tế có phát triển, còn việc hạ tầng không đáp ứng là do tầm nhìn của nhà quản lý và quy hoạch. Cho dù không có ôtô cá nhân thì hạ tầng của chúng ta vẫn bát nháo, hỗn loạn.
Tại sao lại bắt người tiêu dùng ngồi trên những chiếc xe 2-4 túi khí trong khi các nước khác sử dụng 6-8 túi khí? Tại sao bắt người đường phải hít các khí thải từ động cơ Euro 2-3-4 trong khi các nước khác đã là Euro 5-6. Người tiêu dùng bị tai nạn hay bị bệnh thì ai trả chi phí. Người dân không may thì liệu nền kinh tế chung có phát triển không.
Cá nhân tôi thấy, chính sách chỉ bó hẹp trong phạm vi ngành mà thiếu cái nhìn toàn diện. Để phát triển thì phải có cạnh tranh chứ không phải chỉ có ưu đãi thì mới phát triển. Nghị định 116 thực tế là đi ngược nguyên tắc kinh tế, xu thế chung.
Tác giả: Phong Huynh
Nguồn tin: Báo VnExpress