Giáo dục

Ham lương ngàn đô, sinh viên dễ “vướng bẫy” tuyển dụng

Làm sao để có lương cao, tính bằng đô sau khi ra trường là quan tâm của rất nhiều sinh viên hiện nay. Quá nôn nóng vì thu nhập trước mắt, nhiều sinh viên có thể “vướng bẫy” trong tuyển dụng, mất đi nhiều cơ hội phát triển lâu dài đáng giá hơn là mức lương ban đầu.

Sinh viên (SV) đặt mục tiêu lương ngàn đô sau khi ra trường là một trong những vấn đề được các chuyên gia nhân sự trao đổi tại chương trình Management Insider Forum do CLB Kỹ năng doanh nhân, ĐH Ngoại thương cơ sở TPHCM tổ chức.

SV ra trường đưa ra một mức lương ban đầu rất cao khi tìm việc, đó là một vấn đề làm nhức đầu các tuyển dụng hiện nay. Nếu mức lương cao và chất lượng cao thì không có vấn đề gì nhưng nghịch lý ở chỗ nhiều SV ra trường còn nhiều thiếu sót so với yêu cầu nhưng lại không dễ dàng chấp nhận mức lương vừa phải.

Làm sao để có mức lương cao ngất ngưởng khi ra trường là quan tâm của rất nhiều sinh viên hiện nay

Trao đổi tại chương trình, các chuyên gia nhân sự có chung quan điểm thu nhập là quan trọng nhưng không phải là yếu tố cần thiết hàng đầu đối với lộ trình phát triển nghề nghiệp, nhất là với những năm đầu đi làm quyết định nền tảng công việc lâu dài.

SV cần hết sức tỉnh táo, cân nhắc để không bị “cuốn” vào mức lương khởi điểm. Chưa nhiều trải nghiệm, nhiều bạn ngộ nhận lương cao đồng nghĩa với vị trí, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến tốt.

Bà Nguyễn Phương Mai, giám đốc khu vực phía Nam Navigos Search cho hay trừ những bạn do hoàn cảnh đặc biệt, còn nếu có lựa chọn các bạn hãy cân nhắc kỹ công việc khi mới ra trường.

SV hãy chú ý nhiều hơn đến môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến hơn là mức lương hiện tại. Hiện nay rất nhiều công ty có lộ trình đào tạo chuyên nghiệp, bài bản. Họ đưa ra chế độ khởi điểm không cao nhưng lại có lộ trình đào tạo phát triển nhân sự rất tốt. Trái ngược, nhiều nơi sẵn sàng trả lương ban đầu rất cao nhưng lộ trình phát triển không rõ ràng, anh chỉ làm việc và làm việc thôi.

Trong khi, bà Mai nhấn mạnh môi trường làm việc trong 5 năm đầu ra trường đối với mỗi người cực kỳ quan trọng. Đây là giai đoạn hình thành về tính cách, thái độ làm việc, tạo nên nền tảng bền vững về sau.

Kể cả những công ty nhỏ nhưng cho bạn nhiều cơ hội, hỗ trợ mục tiêu nghề nghiệp xây dựng nền móng đến nghề nghiệp tương lai của mình cũng là một lựa chọn tốt cho người mới ra trường.

Các chuyên gia nhân sự trao đổi với sinh viên về sự quan trọng trong đào tạo và lộ trình thăng tiến công việc

Với kinh nghiệm của mình, bà Nguyễn Phương Mai cũng tiết lộ thêm về “bẫy” tuyển người của các doanh nghiệp hiện nay. Họ đưa ra mức lương không cạnh tranh cũng là một cách tìm hiểu và đo lường sự chín chắn, khát vọng học tập của ứng viên. Các doanh nghiệp hiện cũng rất thích những SV thực tế. Ứng viên hoàn toàn có thể trao đổi tôi chấp nhận mức lương này thì 3 - 5 năm tới tôi sẽ nhận được những gì.

Ông Triệu Thế Hiệp, Giám đốc tài chính Đất Việt VAC diễn giải một cách dễ hiểu, khi SV mới ra trường có nơi trả ngay lương 10, 20 triệu, có nơi chỉ trả 5 triệu đồng. Lúc đó bạn chọn thu nhập mà không quan tâm đến lộ trình phát triển về sau thì 5 năm nữa có thể thu nhập của bạn vẫn chỉ là 10 hay 20 triệu. Còn nơi xuất phát điểm 5 triệu có thể thu nhập đã tăng lên rất nhiều. Chưa kể bạn còn có thể đánh mất rất nhiều cơ hội để phát triển, thăng tiến nghề nghiệp chứ không chỉ là mức lương.

Bà Nguyễn Phương Mai cung cấp thêm, hiện nay thị trường lao động, nhất là ở các tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam đang rất thiếu các vị trí quản lý. Nhưng nhìn chung ứng viên người Việt chưa đáp ứng được yêu cầu công việc nên nhiều nơi đang tìm hướng tuyển người nước ngoài vào làm việc.

Một số “điểm thua” của ứng viên Việt Nam có thể kể đến là thiếu kỹ năng mềm, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề còn yếu. Khả năng tạo ảnh hưởng cũng thấp hơn và đặc biệt tính trách nhiệm, dám làm dám chịu của ứng viên người Việt còn là hạn chế lớn.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP