Thế giới

Hack bầu cử Mỹ: Nga luôn coi Hillary là 'mối đe dọa'

Mối quan hệ đầy sóng gió giữa cựu ngoại trưởng Mỹ và điện Kremlin được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử vừa qua ở Mỹ.

Những báo cáo của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về sự nhúng tay của Nga vào cuộc bầu cử vừa qua ở Mỹ khiến nhiều người đặt câu hỏi về động cơ của Moscow.

Theo New York Times, nhiều giả thuyết cho rằng cựu ngoại trưởng Mỹ, người nổi tiếng là cứng rắn trong các vấn đề quốc tế, sẽ tìm cách can thiệp vào Nga nếu bà trở thành tổng thống. Và Moscow không muốn điều này.


Tổng thống Obama nêu đích danh ông Putin trong các vụ tấn công của tin tặc Nga. Ảnh: Reuters.

Nỗi lo sợ ngày càng tăng của Moscow với Clinton

Thực tế, năm 2009, khi ông Medvedev giữ chức tổng thống Nga, mối quan hệ Nga - Mỹ đã cải thiện rõ rệt cùng những nỗ lực của Clinton trong cương vị ngoại trưởng Mỹ. Nhưng tới 2012, khi Putin trở lại nắm quyền, mọi thứ lại quay trở lại quỹ đạo căng thẳng.

Khi đó, với tình hình biến động ở Trung Đông, người Nga có lý do để nghĩ rằng Mỹ đang tìm cách làm khó, và cuối cùng sẽ gây rối loạn ở các "vùng đệm" quanh nước Nga.

Những ngày trước cuộc bầu cử ở Mỹ, nỗi lo sợ của nước Nga với bà Clinton lớn hơn nhiều so với chuyện họ tin tưởng đối với Trump.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, cựu ngoại trưởng Mỹ luôn phát biểu lời lẽ cứng rắn và đe dọa "chống lại" Nga. Trong một đoạn phỏng vấn với báo Star Daily của Nga, ông Putin từng nói: "Bà Clinton chọn lập trường quyết liệt chống lại đất nước chúng tôi, chống lại Nga. Ông Trump, mặt khác, kêu gọi hợp tác - ít nhất là khi nói đến cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Đương nhiên, chúng tôi chào đón những ai muốn hợp tác”.

Chuyên gia Mark Geleotti thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Prague cho rằng hành động của điện Kremlin được coi là một hình thức tự vệ. “Không phải họ không thích bà ấy, mà họ nghĩ rằng bà ấy có thể đem lại một mối đe dọa”, ông nói.

Khi còn giữ chức tổng thống, ông Bill Clinton tỏ rõ quan điểm thiếu tích cực dành cho chính quyền ông Putin. Nếu bà Clinton trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, nhiều khả năng bà sẽ tiếp tục thực hiện những kế hoạch dang dở của chồng. Điều này khiến càng chính quyền ở điện Kremlin không thể yên tâm.


Cựu Tổng thống Bill Clinton (phải) từng có ý định thay đổi Nga. Ảnh: The Kremlin.

Sóng gió trong mối quan hệ Putin - Clinton

Từ lâu, mối quan hệ giữa bà Clinton và ông Putin đã luôn ở trong tình trạng đối đầu. Cuối năm 2011, khi ông Putin cho biết sẽ quay trở lại nắm quyền tổng thống, ông đã phải đối mặt với những cuộc biểu tình phản đối gay gắt từ phe đối lập.

Bà Clinton, ngoại trưởng Mỹ khi đó, tỏ rõ sự ủng hộ với người biểu tình - điều khiến ông Putin vô cùng giận dữ. "Bà ấy đã ra hiệu cho một số phần tử trong nước", ông Putin từng nói. Phát biểu của ông phản ánh quan điểm của nhiều quan chức Nga cho rằng bà Clinton có mong muốn lật đổ chính phủ ở Moscow.

Cá nhân ông Putin luôn phản đối những chính sách can thiệp vào nội bộ Iraq và Syria của bà Clinton.

Sau khi rời ghế ngoại trưởng, lời lẽ của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ dành cho ông Putin càng cứng rắn hơn. Tháng 3/2014, bà Clinton đã so sánh hành động sáp nhập đảo Crimea của ông Putin tương tự những gì Hitler từng làm thập niên 1930.

Trước đó, khi còn là thượng nghị sĩ, bà Clinton đã phản đối Tổng thống Bush khi ông phát biểu “đã thấu hiểu ông Putin”. Bà cho rằng Putin là "một kẻ không có linh hồn".

Suốt chiến dịch tranh cử của mình, cựu ngoại trưởng Mỹ luôn cho thấy mình sẽ có chính sách cứng rắn hơn đối thủ Donald Trump trong quan hệ với điện Kremlin.

Tuần trước, trong một cuộc gặp với các nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử, bà Clinton đã tố cáo Nga can thiệp vào kết quả bầu cử và là nguyên nhân cho thất bại của bà.


Bà Clinton cho rằng sự can thiệp của Nga là nguyên nhân khiến bà thất bại trong cuộc bầu cử. Ảnh: AP.

Nga cũng bất ngờ với chiến thắng của Trump

Những nhà quản lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton từng cho biết các tin tặc Nga là thủ phạm vụ đột nhập hệ thống mạng máy tính của Ủy ban Dân chủ Quốc gia Mỹ (DNC), phát tán email của các quan chức hàng đầu trong DNC, trong đó có bà Clinton.

Khi đó, nhiều người nghĩ cho rằng đó là nỗ lực nhằm đưa ông Trump lên làm tổng thống. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết chính các quan chức trong chính phủ Nga cũng bất ngờ với chiến thắng của vị tỷ phú người New York.

Việc can thiệp vào email nội bộ của đảng Dân chủ chỉ nhằm làm suy yếu vị thế của cựu ngoại trưởng Mỹ. Rất hiếm người Nga nghĩ tới việc ông Trump sẽ trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.

Khi được hỏi về ông Trump, ông Putin nói: “Ông ấy hành xử ngông cuồng, tất nhiên chúng tôi nhận thấy điều đó, nhưng tôi nghĩ ông có lý do riêng, bởi vì ông muốn đại diện cho các cử tri bình thường và muốn lan tỏa các thông điệp của mình".

Trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang ở trong tình trạng căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nước lớn

Với việc ông Rex Tillerson - một người thân Nga - được Tổng thống tân cử Donald Trump đề cử cho chức ngoại trưởng, mối quan hệ giữa Washington và Moscow được cho là sẽ có những thay đổi đáng kể trong khoảng thời gian tới.

Tác giả bài viết: Thế Long

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP