Mấy năm nay, ai có dịp đến xã Kỳ Sơn đều ấn tượng với những hồi trống giòn giã vào lúc 7h tối rền vang khắp một miền rừng núi. Cũng chính lúc đó, hầu hết học sinh trong toàn xã đều tự giác ngồi vào bàn học tập. Bà con gọi đây là “tiếng trống học ban đêm”.
Chúng tôi đã tìm đến những người được cho là tâm huyết nhất, người khai sinh ra những hồi trống nhắc nhở học sinh học tập và được nghe câu chuyện thú vị xung quanh việc tổ chức thực hiện mô hình độc đáo này của xã Kỳ Sơn.
Thầy Lê Quang Trung, hiệu trưởng trường Tiểu học xã Kỳ Sơn cho biết: "Mô hình “xã hội học tập” vốn có từ thời điểm 2007 – 2008. Lúc đó, các lãnh đạo xã Kỳ Sơn và một số thầy cô trên địa bàn hình thành ý tưởng sẽ tổ chức đánh trống vào buổi tối với mục đích nhắc nhở các em học sinh trên địa bàn xã đến giờ ngồi vào bàn học tập.
Đây là ý tưởng hình thành và đã được tổ chức bởi những người hết mực quan tâm tới việc học tập, tới truyền thống hiếu học của con em xã nhà.
Việc đánh trống được tổ chức trong một thời gian dài, tuy nhiên đến khoảng năm 2012 vì nhiều lý do nên không duy trì được và phong trào tạm thời lắng xuống.
Tới năm 2014, nhờ sự đóng góp ý kiến của một số cán bộ lâu năm, chúng tôi nhận thấy đây là một việc làm rất có ý nghĩa, vì vậy mọi người cùng nhau xây dựng lại mô hình “tiếng trống học tập” này. Và bắt đầu từ năm 2014, tiếng trống lại vang lên vào mỗi tối, được duy trì đều đặn cho đến nay".
Ông Nguyễn Văn Long, Bí thư xã Kỳ Sơn, khi được hỏi về tiếng trống, cũng rất vui và tự hào.
Được biết, ngay từ đầu năm học, lãnh đạo các nhà trường, đại diện lãnh đạo xã và các hội trưởng hội phụ huynh, các vị trưởng thôn cùng họp lại để bàn bạc kế hoạch, thành lập “tổ đánh trống” để cùng nhau thực hiện.
Xã Kỳ Sơn có 9 thôn, trung bình mỗi thôn có một chiếc trống, riêng thôn Mỹ Hòa rộng thì có hai chiếc. Trống thường được để ở hội trường hoặc gia đình của người phụ trách đánh trống.
Mùa hè đúng 7h30, mùa đông đúng 7h tối, tiếng trống lại giòn giã rền vang khắp cả 9 thôn của một xã vùng núi. Việc đánh trống được giao cho các cụ già trong làng. Các cụ đánh trống với tinh thần tự nguyện là chính.
“Mặc dù, hầu hết những người tham gia đánh trống đều là tự nguyện, tâm huyết với việc học của con cháu. Tuy nhiên, nhà trường và lãnh đạo xã cũng rất quan tâm, tìm cách hỗ trợ một số kinh phí dù ít nhưng để động viên tinh thần.
Như năm 2015, họp HĐND xã, lãnh đạo nhà trường và hội phụ huynh đã cùng nhất trí thu 7000 đồng mỗi phụ huynh để mua trống mới, đồng thời hỗ trợ 200 ngàn đồng/tháng cho mỗi người tham đánh trống. Nhiều cụ già sau khi nhận tiền hỗ trợ đã để dành đóng góp mua phần thưởng cho các cháu đạt thành tích học tập tốt”- thầy Nguyễn Trung Trực, hiệu phó trường tiểu học Kỳ Sơn, tự hào cho biết.
Hình thành ý thức tự giác học tập của học sinh
Thầy Lê Quang Trung cho biết, thời gian đầu thực hiện mọi người phải bắc loa đi tuyên truyền khắp xã để tất cả người dân đều biết trước.
Sau khi nghe trống đánh, các gia đình sẽ bảo ban các em việc học. Điều đặc biệt là, trong thời gian đó, nếu gia đình nào còn tổ chức hát hò, mở nhạc to sẽ được bà con trong thôn nhắc nhở, không được gây ồn ào để các cháu có thể tập trung học.
Mỗi người dân tự ý thức việc làm của mình để không gây ảnh hưởng tới các cháu. Ngoài ra, em nào sau khi tiếng trống vang mà còn ra ngoài chơi cũng sẽ bị gia đình, bà con nhắc nhở.
“Với mô hình này, việc tổ chức học tập của học sinh trong xã đều có sự tham gia, đóng góp, hỗ trợ vận động của phụ huynh và mọi người dân. Cứ cuối tháng sẽ có họp xóm, khi đó, trường sẽ báo cáo tình hình học tập của các cháu về với xóm, đồng thời cũng nhận được phản hồi từ xóm về tình hình ý thức tự giác học tập của học sinh.
Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên cử giáo viên, thành lập các tổ kiểm tra đến các thôn vào buổi tối để kiểm tra việc học tập của các em. Điều này đã được bà con rất ghi nhận và ủng hộ”, thầy Trung tự hào chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Duân (thôn Sơn Bình 3, Kỳ Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi năm nay đã 70 tuổi và tự nguyện tham gia đánh trống cho các cháu vào học.
Cứ tầm 7h tối là tất cả người phụ trách lại đánh trống để nhắc nhở các cháu vào học. Mình lớn tuổi rồi, được đóng góp một chút công sức vào việc động viên, nhắc nhở các cháu học tập là tôi cảm thấy vui và hạnh phúc rồi”.
Ông Nguyễn Văn Long, Bí thư xã Kỳ Sơn cũng chia sẻ thêm: “Đây là tiếng trống báo hiệu, nhắc nhở nâng cao ý thức học tập của các em, đồng thời thể hiện ý thức trách nhiệm của phụ huynh đối với việc học của con cái.
Những ai mới đầu đến Kỳ Sơn chắc chắn sẽ thấy rất lạ khi cứ mỗi tối là lại nghe tiếng trống, tuy nhiên âm thanh này đã quá quen thuộc với người dân xã Kỳ Sơn.
Ngoài trường tiểu học xưa nay luôn nằm trong tốp đầu của huyện, trường THCS của xã mấy năm nay cũng phát triển vượt bậc, riêng năm nay thi học sinh giỏi lớp 9 cũng đã vào tốp đầu”.
Về kết quả học tập của học sinh, thầy Lê Quang Trung chia sẻ cụ thể hơn: Trong năm học vừa rồi, trường có 5 em đi thi giải toán trên máy tính Casino thì có 4 em đạt học sinh giỏi huyện, có 1 em được nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh vào cuối tháng 12/2016.
Trong kỳ thi học sinh giỏi huyện 8 môn văn hóa, trường có 29 em đi thi thì có 22 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, trong đó có 21 em dự thi vòng 2 đội dự tuyển học sinh giỏi tỉnh, và sau cùng có 8 em được chọn vào đội tuyển học sinh dự thi học sinh giỏi tỉnh. Theo đó, số lượng học sinh giỏi huyện của xã Kỳ Sơn đứng tốp đầu toàn huyện Kỳ Anh.
Tác giả bài viết: Hà Vy - Mai Nguyễn/Infonet